Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ bảy, 14/10/2023 07:10
TMO - Nhà sản xuất, nhập khẩu đăng ký kế hoạch tái chế hằng năm và báo cáo kết quả tái chế của năm trước về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 3 hằng năm; trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu ủy quyền toàn bộ cho bên được ủy quyền thì bên được ủy quyền có trách nhiệm đăng ký, báo cáo thay cho nhà sản xuất, nhập khẩu.
Luật Bảo vệ Môi trường đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), trong đó đã quy định chi tiết hơn, và đồng bộ hóa hệ thống thúc đẩy Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam. Các Điều 54, quy định về trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và Điều 55, Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ.
Nhà sản xuất, nhập khẩu 06 nhóm sản phẩm, bao bì bao gồm: (1) săm lốp, (2) pin và ắc quy, (3) dầu nhớt, (4) các sản phẩm có bao bì (như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế); (5) điện và điện tử; (6) phương tiện giao thông thì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc (tùy theo từng loại sản phẩm, bao bì cụ thể).
Ảnh minh họa.
Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế. Nhà sản xuất, nhập khẩu 04 nhóm sản phẩm, bao bì (săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 01 tháng 01 năm 2024; Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trác nhiệm tái chế từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 Nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 01 tháng 01 năm 2027.
Nhà sản xuất, nhập khẩu đăng ký kế hoạch tái chế hằng năm và báo cáo kết quả tái chế của năm trước về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 3 hằng năm; trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu ủy quyền toàn bộ cho bên được ủy quyền thì bên được ủy quyền có trách nhiệm đăng ký, báo cáo thay cho nhà sản xuất, nhập khẩu.
Việc đăng ký kế hoạch tái chế được tính theo khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường của năm liền trước đó. Nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc bên được ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đăng ký kế hoạch tái chế, báo cáo kết quả tái chế. Việc đăng ký kế hoạch tái chế thực hiện theo Mẫu số 01 Phụ lục IX Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và báo cáo kết quả tái chế thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục IX Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
Theo Điều 80 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, trường hợp kế hoạch tái chế, báo cáo kết quả tái chế không đạt yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo bằng văn bản cho nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc bên được uỷ quyền để hoàn thiện kế hoạch, báo cáo trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận thông báo.
Theo khoản 2 Điều 80 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, trường hợp khối lượng sản phẩm, bao bì thực tế đưa ra thị trường và nhập khẩu nhiều hơn so với kế hoạch tái chế đã đăng ký thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải bổ sung khối lượng chênh lệch vào kế hoạch tái chế của năm tiếp theo. Trường hợp khối lượng sản phẩm, bao bì thực tế sản xuất đưa ra thị trường và nhập khẩu ít hơn so với kế hoạch tái chế đã đăng ký thì nhà sản xuất, nhập khẩu được thực hiện, báo cáo kết quả tái chế theo khối lượng sản phẩm, bao bì thực tế đưa ra thị trường và nhập khẩu.
Chẳng hạn như: Doanh nghiệp trong năm 2024 đăng ký kế hoạch sản xuất, đưa ra thị trường bao bì thương phẩm là 100 tấn bao bì PET cứng. Tuy nhiên, khối lượng bao bì PET cứng thực tế doanh nghiệp đưa ra thị trường năm 2024 là 120 tấn thì doanh nghiệp phải bổ sung khối lượng chênh lệch là 20 tấn vào kế hoạch tái chế của năm 2025; ngược lại, nếu khối lượng bao bì PET cứng thực tế doanh nghiệp đưa ra thị trường năm 2024 chỉ là 80 tấn thì doanh nghiệp được thực hiện, báo cáo kết tái chế với 80 tấn bao bì PET cứng khi báo cáo vào năm 2025.
Hoàng Bình
Bình luận