Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 05:11
Thứ năm, 22/06/2023 20:06
TMO - Trong Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững và Kế hoạch hành động, Chính phủ Nam Phi đã xác định 5 ưu tiên chiến lược, gồm: tăng cường các hệ thống kết hợp lập kế hoạch với triển khai thực hiện; bảo tồn hệ sinh thái quốc gia và sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả; chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh; xây dựng cộng đồng phát triển bền vững; thực hiện ứng phó một cách hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh (TTX) với nhiều nội dung quan trọng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế xanh - nền kinh tế được cho là cần thiết bởi nó tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường. Vậy các nước đã và đang triển khai chiến lược TTX như thế nào?
Trung Quốc đã đặt mục tiêu về TTX lên hàng đầu trong phát triển và đã "mạnh tay" chi cho môi trường trong những năm gần đây. Trung Quốc đã đề ra các mục tiêu cụ thể cắt giảm phát thải carbon và đề ra mục tiêu giảm thiểu 10% phát thải khí NO và thiết lập thêm năng lực sản xuất điện không dùng nhiên liệu hóa thạch. Nhằm hướng tới TTX, cắt giảm phát thải carbon, Trung Quốc đã huy động nguồn lực tài chính chủ yếu là từ nguồn tài chính công. Thông qua chương trình "1000 doanh nghiệp",Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào việc cải thiện hiệu quả năng lượng. Hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; Thành lập Quỹ chuyên biệt cho việc xử lý chất thải gây ô nhiễm. Kể từ năm 2019, dư nợ cho vay xanh của các ngân hàng Trung Quốc đã tăng trưởng theo cấp số nhân, từ 9,3 nghìn tỷ NDT (1,4 nghìn tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm 2019 lên 16 nghìn tỷ NDT (2,4 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2021, lớn nhất trên thế giới. Dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 22 nghìn tỷ NDT (3,3 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2022. Tốc độ tăng trưởng cho các khoản vay xanh đã được tăng tốc từ quý IV/2020 và đạt mức cao kỷ lục 33% vào quý 4/2021, so với tỷ lệ tăng trưởng 12% của tổng dư nợ cho vay trong quý đó.
Đan Mạch đặt mục tiêu trở thành "quốc gia xanh" nhất châu Âu. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Tại Hàn Quốc, quốc gia châu Á đã có những chính sách về TTX từ rất sớm như Chiến lược tăng trưởng xanh được Hội đồng quốc vụ thông qua tháng 9/2008. Để cụ thể hóa, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành một loạt các hành động, bao gồm: Gói kích cầu "Hiệp định tăng trưởng xanh mới", "Kế hoạch Nghiên cứu và phát triển toàn diện về công nghệ xanh". Luật khung về tăng trưởng xanh cũng được Chính phủ Hàn Quốc công bố thi hành vào tháng 1/2010. Hàn Quốc xây dựng công nghệ xanh bao gồm các nguồn năng lượng mới và tái sinh, năng lượng có hàm lượng carbon thấp, quản lý nước công nghệ cao, ứng dụng công nghệ LED, hệ thống giao thông tiết kiệm năng lượng và thành phố xanh công nghệ cao. Công nghiệp công nghệ cao tập trung vào các lĩnh vực như kết hợp viễn thông, công nghệ thông tin, ứng dụng robot, vật liệu mới và công nghệ nano, dược phẩm sinh học, y học công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn đẩy mạnh các chương trình sử dụng năng lượng sinh khối, xây dựng mô hình "nhà ở, trường học và công sở xanh".
Mỹ là một trong những nước tiếp cận sớm chính sách TTX để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Chính phủ Mỹ đã thực hiện các chính sách mới nhằm phát triển nền kinh tế thông qua phát triển năng lượng, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và thực hiện chính sách tái tạo năng lượng. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện và đến năm 2030 nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15%, Chính phủ Mỹ đã thành lập Cơ quan Triển khai năng lượng sạch (CEDA) thuộc Bộ Năng lượng, có chức năng như một "ngân hàng xanh" để huy động và giải ngân vốn đầu tư cho các chương trình năng lượng sạch. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải như yêu cầu các công ty sản xuất ô tô chuyển sang các mẫu xe kết hợp sử dụng cả điện và xăng dầu, cùng với việc cải tiến các động cơ để tiết kiệm nhiên liệu. Bên cạnh đó, Mỹ đã xây dựng chiến lược "việc làm xanh" và đã đạt được các kết quả quan trọng trong giai đoạn 2009 -2013. Trong đó, tổng số việc làm liên hệ tới sản phẩm và dịch vụ xanh trong năm 2010 đạt 3,13 triệu việc làm, chiếm 2,4 % tổng số việc làm tại Mỹ trong cùng năm.
Đan Mạch với mục tiêu tham vọng trở thành "quốc gia xanh nhất" tại châu Âu và trên thế giới. Theo đó, tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiêu liệu tái tạo. Để hiện thực hóa tham vọng của mình, Đan Mạch đã thông qua mức thuế đặc biệt với việc xử lý chất thải, bao gồm cả mức phí xử lý chất thải xây dựng. Đồng thời, chi tiêu công cho các sản phẩm hàng hóa do nhà nước điều chỉnh nhằm giảm thiểu lượng rác sinh hoạt và việc sản xuất quá nhiều bao bì hàng hóa.
Ở Vương Quốc Anh, Chiến lược dài hạn theo hướng xanh cung cấp một gói các biện pháp cho từng lĩnh vực, được gọi là "chính sách và đề xuất". Một số ví dụ về biện pháp như vậy bao gồm: mở ra cơ hội kinh doanh để sử dụng năng lượng hiệu quả, cải thiện nhà ở và giảm hóa đơn tiền điện và sưởi ấm, thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện có lượng khí thải thấp. Đầu tiên, chiến lược phác thảo tầm nhìn cho từng lĩnh vực, xác định các cơ hội và sau đó đưa ra các mục tiêu. Việc liên kết với các kế hoạch ngành khác được nêu trong Chiến lược dài hạn theo hướng xanh.
Tại Nam Phi, để thực hiện những mục tiêu xanh hóa nền kinh tế trong Chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ Nam Phi đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng trong việc giảm bớt tỷ lệ các-bon trong hoạt động sản xuất, như giảm lượng phát thải 42% vào năm 2025. Trong Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững và Bản Kế hoạch hành động, Chính phủ Nam Phi đã xác định 5 ưu tiên chiến lược, gồm: tăng cường các hệ thống kết hợp lập kế hoạch với triển khai thực hiện; bảo tồn hệ sinh thái quốc gia và sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hiệu quả; chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh; xây dựng cộng đồng phát triển bền vững; thực hiện ứng phó một cách hiệu quả với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Chính phủ Nam Phi đã phát triển một loạt các sáng kiến về quản trị xanh nhằm thiết lập các quy định mang tính nguyên tắc, baogồm: yêu cầu các quỹ hưu trí phải xem xét các rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị như là một phần trong quá trình xem xét đầu tư (Quy định 28); Bộ Quy tắc hướng dẫn đầu tư có trách nhiệm cho các ngành công nghiệp tại Nam Phi; quy định yêu cầu các công ty niêm yết cung cấp các báo cáo tổng hợp về hiệu quả cũng như rủi ro xã hội và môi trường.
Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy TTX, đó là cách tiếp theo từng khu vực của nền kinh tế, hoặc đó là cách tiếp cận liên ngành xuyên suốt các lĩnh vực như sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, với cách tiếp cận nào, nội dung của tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm các vấn đề: sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.
Bên cạnh đó, thực tiễn tại các nước cũng cho thấy, việc thúc đẩy TTX hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các quốc gia đang phát triển, TTX còn tạo đà cho một bước “nhảy vọt” để phát triển kinh tế mà không cần theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”.
XUÂN KHÁNH
Bình luận