Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 22:11
Thứ ba, 02/05/2023 21:05
TMO - Trong năm 2023, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức trung bình nhiều năm.
Theo Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8-10/2023 và giảm dần từ tháng 11/2023. Về mưa lũ, ngập lụt, dự báo đỉnh lũ các sông ở Bắc Bộ ở mức báo động 1-2, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2-3, tập trung trong các tháng 7-9; đỉnh lũ các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức báo động 1-2, có sông trên báo động 2. Các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên ở mức báo động 2-3, có sông trên báo động 3 (ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm và năm 2022). Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung.
Nhằm ứng phó với diễn biến của thiên tai trong thời gian tới, theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các địa phương cần tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cũng như người dân, cộng đồng; xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Cần chủ động ứng phó với thiên tai.
Tổ chức thực hiện đồng bộ các nội dung Chiến lược, Kế hoạch, Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia và Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030. Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Trong đó, xây dựng cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ khu vực tư nhân tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; chính sách hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho người dân ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai; chính sách đặc thù đối với hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, phục hồi và tái thiết sau thiên tai, bảo hiểm rủi ro thiên tai, tín dụng cho phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đặc biệt, theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cần lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành, địa phương, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung, tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai.
Triển khai tốt việc bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc đầu tư xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, sử dụng công trình phòng, chống thiên tai và các công trình cơ sở hạ tầng. Hoàn thiện quy hoạch phòng, chống thiên tai, thủy lợi, thủy điện nhằm tăng cường năng lực cắt lũ cho các hồ chứa, đảm bảo nguồn nước cho tưới tiêu; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai. Phát triển diện tích, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển.
Cùng với các giải pháp trên, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị cần triển khai Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh, xây dựng cộng đồng an toàn; gắn xây dựng cộng đồng an toàn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng xây dựng, củng cố nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở.
Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai. Trong đó, nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra gây thiệt hại lớn như: bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất. Hoàn thành công tác xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai.
Đặc biệt, đẩy mạnh xã hội hóa trong việc lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, trạm theo dõi mưa, mực nước, camera giám sát hồ chứa. Tăng cường rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống thiên tai. Trong đó, tuyên truyền, phổ biến các quy định, kiến thức liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chú trọng vai trò, sự vào cuộc của cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà mạng nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, trong các ngày từ 28 – 30/4, nhiều địa phương miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc như Văn Chấn (Yên Bái) 130 mm, Thọ Sơn (Phú Thọ) 85 mm, Đàm Thủy (Cao Bằng) 80 mm, Phố Lu (Lào Cai) 75 mm. Mưa đá, dông lốc cũng làm tốc mái hàng nghìn nhà, nhiều nhất là Thái Nguyên gần 600 nhà, Phú Thọ mỗi tỉnh khoảng 250; Tuyên Quang gần 200; Cao Bằng, Lào Cai, Điện Biên mỗi tỉnh khoảng 120 nhà. Hơn 2.500 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, trong đó Phú Thọ hơn 1.300 ha, Yên Bái 560 ha, Tuyên Quang hơn 450 ha. Ngoài ra, 11 trường học ở Phú Thọ, Điện Biên, Tuyên Quang, Thái Nguyên bị hư hỏng.
Tú Quyên
Bình luận