Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ ba, 04/06/2024 10:06
TMO – Nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường. Đây là những vấn đề “nóng” đang được đại biểu và cử tri cả nước quan tâm, trong đó nổi bật là khai thác khoáng sản, xử lý nước thải, tác động môi trường từ các công trình phục vụ du lịch.
Trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng nay 4/6, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường về các vấn đề liên quan trực tiếp đến ngành đang được dư luận và cử tri cả nước quan tâm. Theo đó, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) đặt vấn đề việc duy trì hoạt động khai thác chế biến boxit alumin, nhất là đất hiếm hiện nay được các nước quan tâm do nước ta có trữ lượng lớn về đất hiếm, là tiềm năng trong bối cảnh các nước và nước ta đang đầu tư các ngành công nghệ cao.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản về chiến lược quan trọng, trữ lượng tương đối lớn như boxit khoảng 5,8 tỷ tấn, titan khoảng hơn 600 triệu tấn. Riêng với đất hiếm, Chính phủ đang giao Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề án điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng tổng thể, trong đó ước tính Việt Nam có khoảng 30 triệu tấn đất hiếm. Theo ông Khánh, việc khai thác chế biến các loại khoáng sản quan trọng thiết yếu, đặc biệt là đất hiếm phải tính đến bài toán chế biến sâu, chế biến tinh, phục vụ cho các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng TN&MT.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, thực trạng hiện nay, việc chế biến đất hiếm chưa được nghiên cứu một cách tổng thể, cũng như chưa thu hút đầu tư hoặc liên doanh, chuyển giao được công nghệ chế biến sâu. Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành đánh giá trữ lượng chính xác để báo cáo, quá trình thực hiện phải gắn với việc chuyên giao công nghệ, chế biến sâu, phục vụ đất nước.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) đặt vấn đề về khai thác cát biển và bảo tồn môi trường biển. Về vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Việt Nam có diện tích bờ biển dài. Định hướng được Trung ương nêu rõ là khai thác tài nguyên biển phải đảm bảo môi trường và phát triển bền vững.
Với 28 địa phương có biển, các dự án đầu tư về công nghiệp, du lịch dọc hai bên bờ biển phải rà soát, đánh giá tác động môi trường để đảm bảo không ảnh hưởng môi trường sinh thái biển, không ảnh hưởng đến lĩnh vực vận tài biển hay nuôi trồng thủy hải sản. Quy hoạch không gian biển quốc gia đang được trình Quốc hội, trong đó phân vùng, định hướng, quy hoạch gắn với từng ngành. Cần thực hiện nghiêm quy hoạch để vừa mạnh về biển, giàu về biển phải đảm bảo môi trường để phát triển bền vững.
Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn Trà Vinh) nêu vấn đề, hiện cơ sở hạ tầng xử lý chất thải chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là nước thải y tế, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của dân cư. Vậy giải pháp gì để giải quyết những hạn chế nêu trên và để quản lý tốt việc xử lý rác thải y tế. Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện cơ sở y tế tuyến trung ương và cấp tỉnh đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế đầy đủ. Tuyến xã thì chưa được đầu tư hệ thống xử lý kỹ thuật cao. Trưởng ngành Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh phải quan tâm đến việc xử lý nước thải y thế của tuyến huyện, xã, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) đặt câu hỏi về thời gian ban hành Thông tư hướng dẫn PPP trong xử lý nước thải. Trưởng ngành Tài nguyên và Môi trường trả lời, cả nước chỉ có 17% nước thải sinh hoạt được xử lý, tỷ lệ rất thấp. Đầu tư công chỉ phấn đấu làm được hệ thống thu gom. Còn nhà máy nước thải gắn với vận hành, cần có doanh nghiệp đầu tư. Do đó, việc hợp tác công tư, xã hội hóa trong việc xây nhà máy nước thải rất quan trọng. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cố gắng cuối năm 2024 sẽ ban hành thông tư để đảm bảo tăng cường việc xử lý nước thải đô thị.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) đặt câu hỏi nguyên nhân cũng như giải pháp cho tình trạng ngập úng ở các đô thị lớn. Ông Khánh trả lời, ngập úng đô thị có phần do trong quá trình phát triển chúng ta lấp ao, hồ tự nhiên và đó là tác động từ quá trình đô thị hóa. Chúng ta phát triển nhưng quy hoạch chưa đảm bảo, chủ yếu là phát triển đô thị, hạ tầng dân cư mà chưa tính đến định hướng lâu dài. Trưởng ngành Tài nguyên và Môi trường kỳ vọng trong quá trình phát triển mới, ao, hồ trong đô thị có thể vừa tạo cảnh quan, vừa là nơi trữ nước.
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt đặt vấn đề đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước là giải pháp ưu tiên để đảm bảo phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế xã hội. Việc thu hút đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước thời gian tới. Ông Khánh cho biết, hồ thủy lợi, thủy điện đã được thực hiện hiệu quả thông qua xã hội hóa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát các khu vực cần bổ sung, hoặc đủ điều kiện xây dựng các hồ đập và kênh mương thủy lợi. Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng các hồ thủy lợi đa mục đích như vừa làm thủy điện vừa tích trữ nước cho sản xuất. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có các kịch bản nguồn nước để quản lý lưu vực của sông và thúc đẩy xã hội hóa các hồ thủy điện, thủy lợi, đảm bảo hiệu quả nhất. Địa phương có thể thực hiện hồ thủy điện theo hình thức xã hội hóa sẽ tiếp tục thực hiện nhưng phải đánh giá tổng thể, tích trữ nước nhưng phải đảm bảo được môi trường, không ảnh hưởng đến rừng, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên.
Quốc hội phiên làm việc sáng nay 4/6.
Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn Thái Nguyên) đặt vấn đề, công tác thanh tra, kiểm tra tra là một trong những giải pháp nhằm hạn chế khai thác tài nguyên trái phép và an ninh môi trường. Vậy qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị xử lý như thế nào, đặc biệt là các vụ việc có dấu hiệu hình sự? Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết hoạt động khai thác khoáng sản vừa qua được phân cấp quản lý đến từng địa phương. Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều cuộc thanh, kiểm tra chấp hành về khoáng sản, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm. Các đơn vị sau đó ban hành 258 quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 30 tỷ đồng. Hiện nay qua kiểm tra, thanh tra, thấy rằng các chủ dự án về mỏ có một số vi phạm như: khai thác vượt quá công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới, không đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường. Quan điểm sẽ xử lý nghiêm sai phạm này.
Tiếp tục cập nhật...
NHÓM PV
Trên 100 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường
Bình luận