Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ năm, 06/01/2022 14:01
TMO - Nhằm thay thế giống lúa truyền thống đã qua nhiều năm sử dụng, bị thoái hóa, sâu bệnh gây hại nhiều, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thí điểm sản xuất giống lúa mới trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, bước đầu cho năng suất cao.
Năm 2021, huyện Hàm Thuận Bắc xây dựng Đề án, đưa 3 loại giống lúa mới gồm: OM 5451, OM 18 và Đài Thơm 8 đảm bảo chất lượng, được Bộ NN&PTNT cho phép sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả, thu hút sự quan tâm của nông dân.
Vụ hè thu năm 2021, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã tham gia mô hình sản xuất giống lúa mới với diện tích 36ha. Giống lúa được nông dân chọn đưa vào sản xuất là Đài Thơm 8, lúa có thời gian sinh trưởng từ 100 – 105 ngày; áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với lượng giống gieo 15kg/sào.
Các giống lúa mới được thí điểm sản xuất trên địa bàn tỉnh
Theo các hộ sản xuất, giống lúa Đài Thơm 8 thích nghi với đất đai và khí hậu ở đây. Dù chỉ gieo 15kg giống/sào, giảm hơn 10kg so với giống lúa ML48 nhưng mật độ lúa mọc trên ruộng vẫn đảm bảo đều đặn, phát triển tốt, cứng cây, kháng sâu, bệnh hại, nhất là rầy nâu. Năng suất lúa thu hoạch đạt 74 tạ/ha; tăng 4 tạ/ha so với lúa ML48 sản xuất đại trà.
Ngoài ra, các hộ sản xuất đã tính tổng chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 1 ha lúa Đài Thơm 8 giảm 1 triệu đồng so với lúa ML 48, nhưng thu lợi cao hơn 8 triệu đồng.
Lãnh đạo phòng NG&PTNT huyện Hàm Thuận cho biết: Trong vụ hè thu và vụ mùa, toàn huyện sản xuất thí điểm 510 ha giống lúa mới OM 5451 OM 18 và Đài Thơm 8 theo hình thức liên kết chuỗi, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nông dân rất phấn khởi. Ba loại giống lúa này đã chứng tỏ khả năng vượt trội so với giống lúa cũ ML48, TH 6 cả về năng suất lẫn hiệu quả kinh tế. Do đó, trong vụ đông xuân 2021 – 2022, huyện Hàm Thuận Bắc tiếp tục vận động, hỗ trợ cho 1.100 hộ nông dân đưa vào sản xuất trên diện tích 813 ha, với các giống lúa mới gồm: Đài Thơm 8, OM 5451 và OM 18.
Trước những kết quả đạt được ban đầu trong việc đưa vào canh tác giống lúa mới, UBND tỉnh Bình Thuận khuyến khích các hộ sản xuất trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc tiếp tục mở rộng sản xuất, đồng thời giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh khảo sát, nghiên cứu tình hình sản xuất lúa tại các huyện lân cận để nhân rộng các diện tích lúa theo giống lúa mới, nhằm gặt hái mùa vụ bội thụ.
Trong tình hình hiện nay, chi phí đầu tư cho sản xuất lúa tăng cao: giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng nhưng giá lúa không tăng, các giống lúa cũ đã có dấu hiệu thoái hóa rõ ràng, không còn khả năng kháng sâu, bệnh hại, năng suất giảm. Trong khi đó các giống lúa mới được thí điểm đã chứng tỏ những ưu điểm vượt trội vì vậy việc mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống lúa mới sẽ góp phần đảm bảo chất lượng vào sản xuất, từng bước chuyển phương thức sản xuất nhỏ lẻ, sang phương thức sản xuất tập thể, theo liên kết chuỗi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hoài Dương
Bình luận