Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 18/05/2025 15:05
Chủ nhật, 18/05/2025 06:05
TMO - Trước diễn biến thời tiết nắng nóng kéo dài, tỉnh Bình Thuận đang chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giảm thiểu nguy cơ hỏa hoạn và thiệt hại. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, ứng trực 24/24, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống cháy rừng có thể xảy ra.
Theo ngành Lâm nghiệp tỉnh Bình Thuận, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đa phần thuộc loại rừng rụng lá vào mùa khô (rừng khộp) nằm phân bố ở vùng đồng bằng, núi đất đến vị trí giáp ranh với vùng rừng núi cao, độ dốc lớn, địa thế hiểm trở và bị chia cắt mạnh. Cùng với đó, nhiều ngày qua trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thời tiết nắng nóng, khô hanh, thảm thực bì ở các khu vực rừng khộp, rừng trồng hầu hết đã khô kiệt khiến nguy cơ xảy ra cháy rất cao.
Theo đó, để đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng được liên tục, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay và suốt thời điểm mùa khô năm 2025; Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Thuận yêu cầu Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng nhà nước (Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng) và các đơn vị chủ rừng khác trên địa bàn toàn tỉnh tập trung đảm bảo quân số ứng trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm bảo vệ rừng để tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, canh gác lửa rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, đặt biệt là trong các ngày khô hanh, nắng nóng kéo dài.
Các đơn vị có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương trên địa bàn để bổ sung lực lượng, phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho các trạm, chốt bảo vệ rừng khi có tình huống vượt ngoài tầm kiểm soát của đơn vị; quản lý chặt chẽ không để người dân tự ý vào rừng và sử dụng lửa khi cảnh báo cháy rừng ở mức cao.
Cùng với đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng ban hành các Kế hoạch, văn bản nhằm tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Mới đây nhất, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản đề nghị một số sở, ban ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh chủ động tăng cường triển khai các giải pháp để bảo vệ rừng hiệu quả.
Lực lượng chức năng Bình Thuận tuần tra, giám sát rừng trong cao điểm nắng nóng.
Theo đó, để chủ động thực hiện tốt các giải pháp PCCCR, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra trên địa bàn tỉnh, nhất là trong thời kỳ cao điểm mùa khô năm 2025, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt công tác PCCCR theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ động chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và các Hạt Kiểm lâm triển khai thực hiện tốt công tác PCCCR trên địa bàn quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó cần tập trung chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách chủ yếu như thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm.
Kịp thời cung cấp thông tin cho các địa phương, chủ rừng để chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”. Chủ động chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, dụng cụ, thiết bị để phối hợp với lực lượng liên ngành tập trung chữa cháy rừng, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Song song, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát về PCCCR tại các đơn vị chủ rừng và các xã có rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Đặc biệt chú trọng những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, các khu rừng rụng lá vào mùa khô (rừng khộp) và các khu vực rừng trồng trên địa bàn quản lý. Cùng với đó, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra. Kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy... phải tuân thủ theo quy định.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa nhằm ngăn ngừa triệt để nguy cơ gây cháy lan vào rừng trong thời kỳ cao điểm mùa khô. Rà soát kỹ lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”…UBND tỉnh cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp PCCCR theo phương án PCCCR các cấp đã ban hành;
Tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác PCCCR. Thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ các khu vực trọng điểm cháy, khi phát hiện điểm cháy rừng phải huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị triển khai dập tắt đám cháy kịp thời trong thời gian ngắn nhất có thể…
Trước đó, trong tháng 4/2025, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có công điện, văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về PCCCR.
Tỉnh Bình Thuận triển khai tạo đường băng cản lửa nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu có cháy rừng xảy ra.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Thuận, địa phương hiện có tổng diện tích đất có rừng là hơn 342.000 ha (gồm rừng tự nhiên 290.000 ha; rừng trồng 45.000 ha và còn lại là rừng trồng chưa thành rừng). Trong mùa khô 2024 toàn tỉnh xảy ra 21 trường hợp cháy thực bì dưới tán rừng với diện tích 16 ha. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp cháy rừng đều được phát hiện sớm và huy động lực lượng chữa cháy kịp thời, nên không gây thiệt hại tài nguyên rừng.
Để PCCCR, ngay từ đầu năm 2025 đến nay, các lực lượng chức năng toàn tỉnh đã thực hiện cày băng trắng (những khoảng trống đã được thu dọn hết cây cỏ nhằm ngăn cản lửa rừng khi xảy ra cháy), đốt chủ động thực bì dưới tán rừng có kiểm soát trên 1.000 ha rừng.
Lực lượng chức năng cũng trang bị máy móc thiết bị và hàng nghìn công cụ thủ công hỗ trợ dập lửa. Tỉnh cũng thành lập các Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng các cấp để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cháy khẩn cấp xảy ra.
Ngoài ra, các hộ dân sống trong khu vực có rừng đã được giao khoán rừng và ký cam kết bảo vệ rừng, đặc biệt là phòng chống cháy rừng. Hiện nay, công an tại các xã trong tỉnh cũng tổ chức tuyên truyền các kiến thức về phòng cháy, chữa cháy cho các hộ dân xung quanh khu vực có rừng để tăng cường chủ động trong tác phòng ngừa cháy rừng. Bên cạnh đó, người dân được khuyến cáo không sử dụng lửa để dọn dẹp nương rẫy, thực bì nhằm tránh cháy rừng có thể xảy ra.
Song song đó, việc duy tu, mở rộng các đường băng cản lửa và chuẩn bị đầy đủ thiết bị, phương tiện chữa cháy được chú trọng nhằm đảm bảo khả năng ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. Lực lượng kiểm lâm phối hợp với quân đội, công an và các đơn vị liên quan duy trì chế độ trực chiến 24/24 giờ.
Với sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, Bình Thuận đang nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường sinh thái trong bối cảnh thời tiết nắng nóng ngày càng phức tạp với nền nhiệt tăng cao.
Mạnh Thắng
Bình luận