Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ hai, 19/02/2024 07:02
TMO - Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 Bình Phước bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có, nâng cao chất lượng và hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học cũng như năng lực phòng hộ của rừng...
Theo quyết định công bố hiện trạng rừng năm 2023 vừa được UBND tỉnh Bình Phước ký ban hành, diện tích tự nhiên trên địa bàn là 687.510 ha, tổng diện tích có rừng 155.173 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 22,57%, giảm 0,09% so với năm 2022; trong đó, diện tích rừng tự nhiên 55.977 ha, rừng trồng 99.196 ha. Ngoài ra, tỉnh Bình Phước còn có 16.534 ha diện tích đất rừng nhưng chưa có rừng gồm: đất đã trồng rừng nhưng chưa thành rừng; đất có cây rừng tự nhiên tái sinh đưa vào khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và diện tích đất khác.
Địa phương này phân loại theo quy hoạch 3 loại rừng, gồm: rừng đặc dụng 31.179 ha; rừng phòng hộ 43.548 ha; rừng sản xuất 96.497 ha. Một số địa phương có diện tích rừng lớn gồm huyện Bù Đăng có diện tích rừng 54.099 ha, tỷ lệ che phủ rừng 36,05%; huyện Bù Gia Mập có 48.067 ha, tỷ lệ che phủ rừng 45,15%; huyện Lộc Ninh có 18.908 ha, tỷ lệ che phủ rừng 22,18%. Địa phương có độ che phủ rừng thấp nhất là thị xã Chơn Thành có 26 ha rừng, độ che phủ 0,07%.
Bình Phước hiện có 155.173 ha diện tích có rừng. Ảnh: ĐT.
Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 mới đây khẳng định, tỉnh kiên quyết bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng. Đối với các đơn vị tổ chức các hoạt động du lịch phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật về quản lý rừng, các quy định liên quan trong suốt quá trình triển khai; ứng dụng công nghệ số, phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành và chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ rừng.
Mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 Bình Phước bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có; từng bước giải quyết, xử lý dứt điểm diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trên địa bàn; nâng cao chất lượng và hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học cũng như năng lực phòng hộ của rừng. Giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất năm 2025 tăng 1,5 lần so với năm 2020, đến năm 2030 tăng 2 lần; đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm đạt 71,7% vào năm 2025 và 65% vào năm 2030.
Năm 2023 Ngành Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực: Độ che phủ rừng năm 2023 đạt 22,57%, Diện tích rừng trồng mới trong quy hoạch 03 loại rừng từ giai đoạn 2021-2023 là 170 ha, Số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đã giảm đáng kể, không xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ. Trong những năm qua, được sự chỉ đạo của các cấp Bộ, ngành Trung ương về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, cùng với đó là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh Bình Phước triển khai quyết liệt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ rừng.
Trong năm 2023, Chi cục Kiểm lâm tập trung triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và phòng chống cháy rừng như: Tham mưu triển khai Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư; Công văn số 123/BNN-TCLN ngày 09/01/2023; Công điện số 2457/CĐ-BNN-TCLN ngày 24/4/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua đó ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể: Độ che phủ rừng năm 2023 đạt 22,57%; Diện tích rừng trồng mới trong quy hoạch 03 loại rừng từ giai đoạn 2021-2023 là 170 ha. Số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đã giảm đáng kể qua các năm: Năm 2023 là 44 vụ, giảm 10 vụ so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 26 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Trong những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ. Tình hình khiếu kiện, khiếu nại các vụ việc liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng trong năm 2023 đã được giải quyết (05 vụ).
Cùng với lực lượng kiểm lâm, tỉnh Bình Phước chú trọng nâng cao vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ, phát triền rừng.
Trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố hiện nay đều có lực lượng Kiểm lâm là các Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR thường xuyên phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ tuần tra, truy quét bảo vệ rừng. Diện tích rừng được quản lý bảo vệ nghiêm ngặt, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên; các hệ sinh thái rừng đã phát huy được giá trị đa dụng và chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm quốc phòng an ninh, quốc phòng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khi tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Mặc dù vậy, các vụ vi phạm pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân là do tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng, ven rừng tự ý xâm nhập vào rừng trái phép để lấy Măng, thu hái lá Nhíp, đọt Mây. Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, lợi dụng đêm vắng, mưa gió…để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi lực lượng Kiểm lâm và bảo vệ rừng phải phụ trách địa bàn rộng, địa hình phức tạp.
Trong thời gian tới, để rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao độ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra, cần tiếp tục sử dụng có hiệu quả kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng, nghiên cứu ứng dụng dịch vụ "Hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; thực hiện tốt công tác quản lý rừng bền vững… Bên cạnh đó là triển khai đồng bộ hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư và Quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 02/01/2024 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Thu Trà
Bình luận