Hotline: 0941068156
Thứ hai, 02/12/2024 20:12
Thứ tư, 27/11/2024 06:11
TMO - Hiện nay tỉnh Bình Định đang nỗ lực tăng cường ý thức bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn cho cộng đồng người dân địa phương. Rừng ngập mặn tại Bình Định có ý nghĩa quan trong, góp phần giảm thiểu tác động của nước biển dâng, tạo điều kiện phát triển sinh kế cho người dân vùng gần rừng.
Rừng ngập mặn là hệ sinh thái hiếm có, và trù phú nằm trên ranh giới giữa đất liền và biển. Các hệ sinh thái đặc biệt này góp phần vào phúc lợi, an ninh lương thực và bảo vệ các cộng đồng ven biển tại Bình Định nói riêng. Chúng hỗ trợ đa dạng sinh học phong phú và cung cấp môi trường sống có giá trị cho cá và động vật giáp xác.
Rừng ngập mặn còn là lá chắn giúp phòng hộ ven biển, chống lại các cơn bão, sóng thần, mực nước biển dâng và xói mòn. Nền đất mà cây rừng ngập mặn mọc trên là hệ sinh thái chứa một loại đất giàu carbon dioxide, được gọi là đất than bùn, là nơi có trữ lượng carbon lớn hơn so với các loại thảm thực vật khác.
Tỉnh Bình Định có diện tích rừng ngập mặn với hơn 88 ha tập trung tại đầm Thị Nại và đầm Đề Gi, đây là nơi duy trì, phát triển nguồn lợi thủy sản, nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm.
Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thu hút sự tham gia của người dân địa phương vào việc cùng bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã trong rừng ngập mặn, ngăn chặn hoạt động săn bắt và tiêu thụ sản phẩm trái phép là hết sức quan trọng… Theo đó, bà con nông dân được tuyên truyền về hệ sinh thái rừng ngập mặn, vai trò và tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn đối với sự phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, được giới thiệu một số loài động vật hoang dã cư trú trong rừng ngập mặn, tuyên truyền một số quy định của pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm, hình thức xử lý vi phạm hành chính và giải pháp bảo vệ các loài động vật hoang dã trong rừng ngập mặn. Thông tin từ một số người dân thuộc thôn An Quang Tây (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), trong những năm gần đây, nhờ được thường xuyên tập huấn, tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng ngập mặn, nhận thức của các hộ dân nâng lên thấy rõ, không còn diễn ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm khai thác thủy sản như trước đây.
Vì vậy, các loài thủy sản như tôm, cua, cá và các loài chim về trú ngụ ngày càng nhiều. Trong thời gian đến, Ban nhân dân thôn sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và các loài động vật hoang dã. Cùng với đó là ban hành quy ước để xử phạt nghiêm các hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép các động vật hoang dã sinh sống trong rừng ngập mặn. Công tác tuyên truyền, nâng cao giáo dục cộng đồng được coi là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học các loài động vật trong rừng ngập mặn.
Người dân Bình Định trồng rừng ngập mặn. (Ảnh minh hoạ: V.Đ.T).
Đặc biệt, vai trò của cộng đồng ngày càng trở nên quan trọng đối với cả việc ngăn chặn hoạt động săn bắt, kinh doanh và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã cũng như các mối đe dọa tiềm ẩn của đại dịch có nguy cơ lây lan từ động vật hoang dã sang con người. Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, cho biết, bảo vệ động vật hoang dã, các loài chim di cư chính là bảo vệ sự đa dạng sinh học của tự nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Vì vậy, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ trái pháp luật các động vật hoang dã, chủ động tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật. Đồng thời kết hợp với công tác trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, tạo nơi cư trú và sinh trưởng của các loài động vật hoang dã là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Để tiếp tục nâng cao ý thức của người dân đồng thời bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2025, Bình Định sẽ giao khoán bảo vệ, chăm sóc và trồng mới khoảng 258ha rừng ngập mặn dọc các khu vực bãi triều ven đầm, các ao hồ nuôi trồng thủy sản.
Mới đây, tại tỉnh Bình Định, Chính phủ Canada thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng thực hiện dự án cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, các nội dung chính của dự án được thực hiện tại tỉnh gồm trồng 50.000 cây rừng ngập mặn phân tán; thành lập khu bảo tồn biển vịnh Quy Nhơn; phục hồi 4ha rạn san hô khu vực biển thuộc 4 xã, phường ở Quy Nhơn là Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng; lắp đặt 7 trạm cảnh báo sớm về biến đổi khí hậu (trạm khí tượng, thủy văn) tại các xã ven biển.
Bình Định quyết tâm bảo vệ diện tích rừng ngập mặn hiện có, đồng thời đẩy mạnh trồng thêm cây phân tán, thực hiện giao khoán bảo vệ rừng. Những phần việc trên sẽ tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân ven đầm, tăng độ che phủ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản các vùng đầm, kết hợp phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng tại địa phương này.
Ngô Huỳnh
Bình luận