Hotline: 0941068156
Thứ năm, 22/05/2025 13:05
Thứ năm, 22/05/2025 06:05
TMO - Mặc dù đã đẩy mạnh triển khai chủ trương phân loại rác thải tại nguồn trong thời gian qua, tuy nhiên tại tỉnh Bình Định, hiệu quả vẫn chưa như mong đợi. Thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ, ý thức người dân chưa cao… là một trong những rào cản khiến việc phân loại rác tại nguồn còn gặp nhiều vướng mắc.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, trong năm 2024, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách tỉnh hỗ trợ 95,77 tỷ đồng cho các địa phương; trong đó, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải là 63,77 tỷ đồng; mua sắm xe chuyên dụng vận chuyển rác thải là 32 tỷ đồng để thực hiện tăng tần suất và mở rộng địa bàn thu gom rác thải sinh hoạt.
Cùng với đó, tổng lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Định khoảng 1.030,13 tấn/ngày, trong đó, khu vực đô thị phát sinh khoảng 564,75 tấn/ngày (chiếm 53,08%), khu vực nông thôn phát sinh khoảng 483,38 tấn/ngày (chiếm 46,92%).
Thành phố Quy Nhơn là địa phương có lượng rác thải phát sinh lớn nhất 296 tấn/ngày, chiếm 28,73% tổng lượng rác thải toàn tỉnh; các huyện miền núi (Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão) có lượng rác phát sinh thấp, trong đó, huyện An Lão phát sinh lượng rác thải thấp nhất 20,53 tấn ngày (chiếm 1,99%).
Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư ngân sách, mua sắm xe chuyên dụng vận chuyển rác thải, thì các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng tích cực triển khai công tác phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên thực tế, công tác này còn tồn tại bất cập khi nhiều địa phương chưa có đủ xe chuyên dụng vận chuyển chất thải thực phẩm và chưa có hạ tầng xử lý chất thải thực phẩm tập trung.
Hiện nay, gần 300 hộ dân ở khu phố Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) đã quen thuộc với việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn. Trong nhà của các hộ dân trang bị riêng thùng chứa chất thải thực phẩm như thức ăn thừa và các loại rau, củ, quả để sử dụng vào việc ủ làm phân hữu cơ.
Ngoài ra, còn có thùng chứa chất thải rắn (CTR) có khả năng tái sử dụng, tái chế và thùng chứa CTR sinh hoạt khác. Lãnh đạo UBND thị trấn Phú Phong, cho biết, từ tháng 6/2023, mô hình “Phân loại, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt tại nguồn” được triển khai tại khu phố Thuận Nghĩa.
Việc phân loại rác, sử dụng chất thải thực phẩm để ủ vừa tạo ra phân hữu cơ bón cho cây trồng, vừa giảm thiểu lượng rác phải đưa đi xử lý. Người dân nâng cao ý thức trong giữ gìn, bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi ra khu dân cư. Tại huyện Tuy Phước, việc thu gom, phân loại, xử lý rác tại các chợ trên địa bàn huyện theo mô hình khép kín cũng được triển khai và đạt kết quả đáng ghi nhận.
Thùng đựng rác, phân loại rác thải tại nguồn được sử dụng tại các hộ gia đình trên địa bàn Bình Định.
Điển hình tại chợ Háo Lễ (xã Phước Hưng), từ tháng 11/2023 đến nay, vào buổi chiều hằng ngày, nhân viên ban quản lý chợ tiến hành thu gom rác thải; sau đó, phân thành rác hữu cơ, rác có khả năng tái sử dụng, tái chế, rác vô cơ không tái chế được, để xử lý theo đúng quy định. Đại diện HTX Nông nghiệp Phước Hưng - đơn vị được giao quản lý chợ Háo Lễ, nhận định, việc thu gom, phân loại, xử lý khép kín rác tại chợ đã tận dụng triệt để các loại rác hữu cơ và rác có khả năng tái chế, tái sử dụng.
Điều này góp phần giảm lượng lớn rác phải chở đi xử lý, tiêu hủy theo phương pháp thủ công. Ngoài ra, mô hình “Ủ chất thải hữu cơ thành phân bón” tại xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ) và mô hình “Xử lý rác hữu cơ tập trung” tại xã Cát Minh (huyện Phù Cát) cũng mang lại hiệu quả tích cực trong phân loại rác sinh hoạt tại nguồn.
Tham gia mô hình, các hộ dân được chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm cử ra nhóm trưởng quản lý 1 - 2 thùng rác HDPE và tới nhà các hộ trong nhóm thu gom chất thải thực phẩm, sau đó đem bỏ vào thùng ủ làm phân bón.
Lượng phân hữu cơ, nước rỉ rác thu được sau khi ủ dùng bón, tưới cho cây trồng, giúp cây phát triển tốt và tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch. Không thể phủ nhận hiệu quả và lợi ích mà các mô hình điểm phân loại rác tại nguồn mang lại thời gian qua.
Song thực tế, việc triển khai công tác này còn một số bất cập. Đến nay, nhiều hộ dân chưa mặn mà, thậm chí không thực hiện phân loại rác tại nguồn, dù theo quy định đây là việc làm bắt buộc kể từ ngày 1/1/2025.
Đa số các hộ không thực hiện phân loại rác cho rằng, có phân loại thì đơn vị thu gom cũng dồn chung các loại rác vào một xe rồi chở đi xử lý. Đại diện Ban Quản lý các dịch vụ đô thị An Nhơn, cho biết: Đơn vị chưa có xe chuyên dụng để thu gom, vận chuyển chất thải thực phẩm nên khi thu gom, vận chuyển phải dồn chung các loại rác vào một xe.
Tuy nhiên, nếu người dân chủ động phân loại rác sinh hoạt tại nhà, việc thu gom, vận chuyển, xử lý sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến nay, các địa phương trong tỉnh còn thiếu và chưa đồng bộ về hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phân loại, thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt sau phân loại.
Mặc dù đẩy mạnh công tác phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn nhưng Bình Định vẫn gặp nhiều rào cản.
Riêng khâu xử lý, tại TP Quy Nhơn có xưởng chế biến phân hữu cơ (nằm trong khu xử lý CTR Long Mỹ) sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải thực phẩm, hữu cơ dễ phân hủy nhưng hoạt động cầm chừng, chưa hiệu quả. Đối với các địa phương còn lại, hạ tầng xử lý chất thải thực phẩm tập trung chưa có; trong khi khu vực đô thị thường là nhà ở liền kề, không có vườn rộng nên khó tìm vị trí thực hiện ủ chất thải thực phẩm sau phân loại. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định thông tin, bên cạnh yếu tố chưa đồng bộ về hạ tầng và trang thiết bị, các địa phương chưa hình thành mạng lưới thu gom, xử lý chất thải thực phẩm.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn và các hội, đoàn thể trong thiết lập các mô hình phân loại CTR sinh hoạt chưa thường xuyên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn.
Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn khu vực đô thị đạt 90% và nông thôn đạt 80% (đạt chỉ tiêu đề ra theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
Mục tiêu trên đã phần nào đạt được hiệu quả khi trong năm 2024, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng so với các năm trước, đạt 93,72%; tỷ lệ thu gom CTRSH nông thôn ước đạt 76,79%. Đặc biệt, 11/11 địa phương đã ban hành Phương án chi tiết đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn.
Đáng chú ý, tỉnh Bình Định có chủ trương chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH theo hướng hiện đại hóa, tăng tỷ lệ tái chế và tái sử dụng năng lượng; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư tham gia trong lĩnh vực thu gom và xử lý rác thải.
Tính đến năm 2024 địa bàn tỉnh đã đầu tư 2 lò đốt tiêu hủy CTRSH tại xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn với công suất 330kg/giờ và tại huyện An Lão với công suất 1.000 kg/giờ. Điều này góp phần nâng cao khả năng xử lý rác thải trên địa bàn, từ đó đảm bảo vệ sinh môi trường, gia tăng chất lượng cuộc sống cho người dân.
Minh Hải
Bình luận