Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 19:01
Thứ tư, 15/03/2023 12:03
TMO - Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong những năm qua diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, gây thiệt hại lớn về diện tích đất sản xuất, đất rừng, đời sống sinh hoạt của người dân.
Bến Tre là tỉnh nằm ở hạ lưu sông Mekong, với mạng lưới sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt. Trong đó có 04 con sông chính là: sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên với tổng chiều dài khoảng 300km; có khoảng trên 120 km đường bờ biển và đường bờ vùng cửa sông, trong đó 65km tiếp giáp trực diện với biển Đông. Đặc điểm địa hình trên những năm qua tạo thuận lợi cho địa phương này phát triển giao thông thủy, khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây tác động của biến đổi khí hậu đang đặt ra thách thức lớn trong phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, phòng chống, ứng phó thiên tai, trong đó việc gia tăng mức độ nghiêm trọng, diễn biến phức tạp của tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đòi hỏi địa phương này cần tiếp tục huy động nguồn lực, chủ động các phương án sẵn sàng ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do tình trạng này gây ra.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Bến Tre cho biết, trên địa bàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 138km. Trong đó, sạt lở bờ sông có 104 điểm với chiều dài 118,2km; sạt lở bờ biển có 8 điểm với chiều dài 19,4km. Trung bình hằng năm biển lấn sâu vào trong đất liền từ 10 đến 15m làm mất 120ha đất và 100ha rừng phòng hộ ven biển. Những khu vực đã và đang diễn biến sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh như: Sạt lở bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; sạt lở bờ sông Mỏ Cày; sạt lở khu vực các cồn: cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại; cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách; cồn Thành Long, huyện Mỏ Cày Nam...
Tỉnh Bến Tre còn 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, hằng năm biển vẫn lấn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, thời gian qua, các ngành, địa phương đã tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; tăng cường thông tin, cảnh báo các khu vực đã, đang và có nguy cơ sạt lở; thực hiện chương trình bố trí dân cư, hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn...Triển khai thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư,... để xử lý, gia cố tạm thời nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.
Đồng thời, được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh đã và đang triển khai đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua như: Kè chống sạt lở cồn Phú Đa - Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách. Kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Ngoài, Cồn Nhàn xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri; kè giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Bửng, xã Thạnh Phong và công trình chống xói lở bờ biển khu vực Cồn Lợi, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú...
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, bên cạnh những kết quả đạt được, phòng chống, khắc phục sạt lở của tỉnh còn gặp một số khó khăn, thách thức như kinh phí đầu tư công trình khắc phục sạt lở rất lớn, suất đầu tư 1m kè sông, kè biển khoảng từ 50 - 100 triệu đồng tùy thuộc vào giải pháp kỹ thuật; trong khi nguồn lực của trinh còn khó khăn, chủ yếu đề xuất, kiến nghị Trung ương hỗ trợ dẫn đến chưa thể đầu tư, xử lý được hết các điểm sạt lở. Ngoài ra, giải pháp kỹ thuật xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển rất phức tạp, cần có sự trợ của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học nghiên xử lý phù hợp, hiệu quả đối với từng vị trí, khu vực sạt lở.
Địa phương này bố trí, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, củng cố các tuyến kè chống sạt lở bờ biển.
Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do sạt lở bờ sông, bờ biển, thời gian tới địa phương cần phát huy tối đa phương chấm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách khi có tình huống sạt lở nhằm hạn chế thiệt hại. Bên cạnh đó, việc khắc phục sạt lở cần thực hiện đồng bộ cả 2 giải pháp phi công trình và công trình. Trong đó, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như rà soát các điểm sạt lở tại địa phương, thực hiện việc đánh giá phân loại mức độ sạt lở (sạt lở đặc biệt nguy hiểm, sạt lở nguy hiểm và sạt lở bình thường) để làm cơ sở sắp xếp thứ tự ưu tiên xử lý; đồng thời khi xảy ra sạt lở phải ưu tiên việc tổ chức di dời người, tài sản để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý sạt lở theo Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển của Thủ tướng Chính phủ.
Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, huy động tối đa các nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ để thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục sạt lở; tổ chức tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ giờ đầu khi có sạt lở; hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao (nhất là tuyến đê bao các cồn) không để xảy ra trường hợp vỡ đê. Tiếp tục thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để xảy ra tai nạn.
Tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Viện, Trường,... khảo sát thực tế tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển của tỉnh để khuyến cáo, hướng dẫn biện pháp xử lý, khắc phục cho phù hợp, hiệu quả. Nghiên cứu, quan trắc, cảnh báo vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để có các biện pháp thích hợp phòng tránh, hoặc giảm thiểu thiệt hại; đồng thời, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí để tỉnh đầu tư, xây dựng công trình phòng, chống sạt lở.
Mới đây, địa phương này vừa công bố tình huống khẩn cấp tình trạng sạt lở sông Mỏ Cày trên địa bàn thị trấn Mỏ Cày và xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, với tổng chiều dài sạt lở khoảng 680m. Sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan Nhà nước, cuộc sống, sinh hoạt của người dân đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến Quốc lộ 57. Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu địa phương xảy ra sạt lở triển khai các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra như sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm (nếu có).
Các địa phương cần thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; thực hiện các biện pháp xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở; tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn đê, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Lê Hiếu
Bình luận