Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 00:11
Thứ sáu, 14/06/2024 16:06
TMO - Chỉ số TDS (tổng chất rắn hoà tan trong nước) có đơn vị đo là ppm (part per million) có liên quan trực tiếp đến độ tinh khiết của nước và phản ánh chất lượng của hệ thống lọc nước. Theo các quy định hiện hành của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Việt Nam, nước có TDS để nấu ăn không vượt qua 200ppm, còn dùng cho sinh hoạt thì không quá 300ppm và chất lượng nguồn nước cũng chính là vấn đề nhiều người dân lo lắng.
Khổ trăm bề
Với những thắc mắc và chịu đựng lâu ngày, ông Nguyễn Văn B (sinh sống tại khu phố 4, thị trấn Châu Thành, tỉnh Bến Tre) bức xúc: “Từ cuối tháng 5/2024, nước do Công ty CP Nước sinh hoạt Châu Thành cung cấp vẫn bị mặn. Nếu như từ 2 tháng trước, cả khu vực 1/2 tỉnh Bến Tre nhiễm mặn, chúng tôi có thể thông cảm dù rằng giáp ranh Châu Thành là thành phố Bến Tre nước máy vẫn ngọt bình thường. Dùng nước mặn, nhưng vẫn phải trả tiền như nước ngọt, không được giảm một cắc nào!”.
Ông B cho biết thêm: “Tuy nhiên, điều gây bất bình thêm nữa là việc tính giá nước theo kiểu bậc thang lũy tiến. Nếu sử dụng từ 9 khối (m3) trở xuống giá khác, từ 10 -19 khối trở lên thì giá khác, 20 khối trở lên ở mức giá khác nữa…Người dân chúng tôi không chịu đựng nổi, kiến nghị địa phương thay đổi nhà cung cấp nhưng chính quyền không cho, nói vướng văn bản này, văn bản khác. Thành ra, dù mang tiếng là vùng sông nước nhưng chúng tôi phải…khổ trăm bề vì nước!”.
Cùng sinh sống tại thị trấn Châu Thành và là khách hàng của Công ty CP Nước sinh hoạt Châu Thành, bà Võ Thị T cho biết, việc tính tiền nước theo kiểu bậc thang chỉ được “thông báo” miệng từ nhân viên thu tiền nước chứ không có văn bản nào thông báo cho người dân. Còn chuyện nguồn cung cấp nước ô nhiễm, người dân cũng không biết hỏi ai và bằng cách nào để biết nước do công ty cung cấp có đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt hay không.
Ngoài ra, cũng theo người dân địa phương, từ tháng 6/2015, để có nguồn nước máy, mỗi hộ dân phải đóng một khoản tiền là 800.000 đồng cho chính quyền địa phương mới được lắp đồng hồ nước sử dụng. Tuy nhiên, tháng 11/2018, chính quyền cổ phần hóa nhà máy nước thành Công ty CP Nước Châu Thành, biến việc cung cấp nước sinh hoạt cho dân từ ý nghĩa hỗ trợ dân sinh thành việc kinh doanh thuần tuý! Số tiền “ký quỹ” trước đây người dân đóng góp 800.000 đồng/hộ cũng “vô cùng hợp lý” chuyển từ “của chung” thành “của riêng”!
Theo tìm hiểu, trước đó, tại cuộc họp HĐND huyện Châu Thành, khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021, để trả lời phản ánh của bà con cử tri, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành giải thích, từ tháng 11/2018 trở về trước, Ban quản lý nước có thu tiền công trình mỗi hộ là 800.000 đồng. Số tiền này đơn vị hàng năm đã đầu tư đưa vào xây dựng các tuyến ống cấp nước cho nhân dân các xã, thị trấn, công trình này đã quyết toán và hình thành tài sản của đơn vị (vốn Nhà nước).
Sau đó thực hiện chủ trương của Chính phủ về cổ phần hóa và đã được quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, Ban quản lý nước đã chuyển thành công ty cổ phần. Quá trình thực hiện đơn vị đã kiểm kê đánh giá lại toàn bộ giá trị tài sản, nguồn vốn đơn vị và tiến hành bán thoái vốn 55% cho cổ đông phổ thông và nhà đầu tư chiến lược, còn lại 45%vốn Nhà nước nắm giữ tại đơn vị. Số tiền bán thoái vốn đó đã nộp toàn bộ về quản lý vốn Chính phủ theo quy định.
Theo trả lời trên thì số tiền 800.000 đồng đóng cho tiền công trình để có nước sinh hoạt sử dụng vào thời điểm 2015 đã trở thành tài sản của Công ty CP Nước sinh hoạt Châu Thành, đồng nghĩa là người dân sẽ không được hoàn lại khoản tiền này. Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền vẫn chưa có văn bản hoặc công văn nào thông báo rộng rãi đến người dân, khiến họ vẫn bức xúc.
Nhà cung cấp nước nói gì?
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nước sinh hoạt Châu Thành, bà Ngô Thị Cẩm Lý cho biết, trên địa bàn có nhiều đơn vị cung cấp nước, riêng Công ty CP Nước sinh hoạt Châu Thành khi cung cấp nước đầu ra cho người dân đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Ngoài ra, các chỉ số chất lượng theo quy chuẩn của ngành y tế đều được công bố trên trang website của đơn vị cùng các sở ban ngành theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm.
Tuy nhiên, bà Ngô Thị Cẩm Lý cũng thừa nhận có trường hợp đường ống nước bị rò rỉ do các yếu tố khách quan vì làm đường nông thôn, làm vườn và nhiều chuyện bất khả kháng khác khiến chất lượng nước bị ô nhiễm cục bộ. Các trường hợp này khi phát hiện đơn vị đã nhanh chóng xử lý. Về tình trạng này, bà Lý cho biết: “Tôi nghĩ, trong ngành nước thì bất kỳ công ty cung cấp nước nào cũng gặp phải. Điều cốt yếu là khi được thông báo sự cố, công ty nhanh chóng điều người xuống khắc phục ngay, hạn chế tối thiểu thiệt thòi cho người dân”.
Các đường ống dẫn nước từ sông Ba Lai lên.
Được biết, Công ty CP Nước sinh hoạt Châu Thành hiện cung cấp cho khoảng 20.000 hộ trong huyện, trung bình sử dụng vào khoảng 12.000m3 /ngày đêm. “Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có gần 30 đơn vị cung cấp nước sinh hoạt, chất lượng nước mỗi nơi mỗi khác là do nước lấy đầu vào khác nhau và đầu tư hệ thống đường ống khác nhau. Nhà máy nước Châu Thành dù là công ty cổ phần nhưng vận hành theo cơ chế Nhà nước nên tiêu chuẩn nguồn nước đầu vào và đầu ra đều được kiểm soát rất chặt chẽ. Nếu tính riêng địa bàn huyện Châu Thành, trong 4 đơn vị cung cấp nước thì chất lượng nước của Công ty CP Nước sinh hoạt Châu Thành là tốt nhất” bà Ngô Thị Cẩm Lý nói.
Liên quan đến vấn đề nhiễm mặn, theo giải thích của Công ty CP Nước sinh hoạt Châu Thành, do nằm ở vị trí địa lý đặc thù nên nguồn nước chỉ bơm được từ sông Ba Lai và sông An Hóa, mà 2 sông này đến mùa thì nhiễm mặn nên nước cung cấp cho người dân phần nào cũng ảnh hưởng. Bà Ngô Thị Cẩm Lý cho biết: “Chi phí xử lý nước mặn ngang bằng, thậm chí còn cao hơn xử lý nước ngọt nên giá thành không thể hạ được. Mặc dù vậy nhưng đơn vị cũng đang đầu tư và xử lý việc nhiễm mặn nhưng vẫn còn hạn chế. Vì vậy, mỗi mùa nước nhiễm mặn, công ty đều gửi thư ngỏ đến từng hộ dân để chia sẻ, cùng chung tay vượt qua hạn mặn”.
Cũng theo bà Lý thì việc tính giá nước được Sở Tài chính kiểm tra trên những hóa đơn đầu vào và dựa trên định mức của Nhà nước về sử dụng các nguyên vật liệu. Hiện tại, đơn vị nào đầy đủ những chứng từ và tiêu chuẩn để được làm giá chứ không tự áp được mà phải qua phê duyệt của các cấp cấp thẩm quyền để có mức giá hợp lý. Những hộ sử dụng bình quân dưới 15m3 theo tiêu chuẩn 4m2/người cho 1 hộ gia đình thì giá của Công ty CP Nước sinh hoạt Châu Thành còn thấp hơn giá nhà máy nước của tỉnh trước đó 7 năm nên không thể nói là cao!
Dân mong muốn được chọn nguồn nước sử dụng
Theo tìm hiểu, trong hơn 20.000 hộ dân huyện Châu Thành, cá biệt có vài hộ xin được đấu nối với đường ống nước của nhà máy nước của tỉnh đi qua. Họ cho biết, đã sử dụng rất an tâm vì nước không bị nhiễm mặn và ô nhiễm dù giá nước phải trả cao hơn tại địa phương một chút.
Một số người dân đến nhà máy nước của tỉnh Bến Tre để đăng ký xin được cung cấp nước sinh hoạt sử nhưng bị từ chối. Anh Trần Bá T, người dân sinh sống tại xã Tân Thạch (huyện Châu Thành) đã từng chạy ngược chạy xuôi để tìm nguồn nước mới sử dụng cho gia đình cho biết: Nhà máy nước tỉnh nói rằng trước đây họ có lắp đặt cho bà con sử dụng và có đầu tư đường ống qua 1 số khu vực huyện Châu Thành, nhưng từ khi có nhà máy nước Châu Thành thì khu vực nào lắp đặt theo khu vực đó, họ không thể cung cấp được. Nhà máy nước Bến Tre sẵn sàng lắp đặt hệ thống đường nước để người dân sử dụng nhưng phải có sự đồng thuận từ UBND huyện Châu Thành.
Về việc này, Công ty CP Nước sinh hoạt Châu Thành cho rằng, do được phân vùng cung cấp nước nên việc chọn nhà cung cấp nước rất khó khả thi. Hơn nữa, các yếu tố khác như: Chất lượng nước của đơn vị không đạt, đường ống truyền dẫn chỉ đi ngang mà chưa có hệ thống đấu nối trực tiếp vào các hộ… cũng là điều kiện chuyển đổi đơn vị cung cấp của người dân chưa được đáp ứng .
Nhiều người dân còn cho biết, nguồn nước mà Công ty CP Nước Châu Thành bơm lên để cung cấp cho các hộ là từ dòng sông Ba Lai, trong khi chất lượng nguồn nước của dòng sông này cũng khiến nhiều người dân lo lắng bởi ý thức bảo vệ môi trường của người dân sống hai bên bờ chưa tốt.
Về nguồn nước đầu vào, Công ty CP Nước sinh hoạt Châu Thành cũng cho biết do kinh phí xây dựng hạ tầng nước khá lớn nên hiện tại công ty phải lấy nguồn nước từ sông Ba Lai và sông An Hoá gần hơn. Tuy nhiên, việc xử lý để cho ra nước sạch mới là công đoạn quyết định đến chất lượng nước. Ngoài tuân thủ những quy định khắt khe của ngành y tế về các chỉ số nước sạch, Công ty CP Nước sinh hoạt Châu Thành thường xuyên cung cấp kết quả đo chất lượng nước trên cổng website của công ty cho người dân giám sát. Công ty cũng sẵn sàng cử đoàn kiểm tra với thiết bị chuyên dụng đo tại vòi đối với mọi trường hợp khiếu nại liên quan đến chất lượng nước.
Phan Lâm – Nguyễn Châu
Bình luận