Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 29/11/2024 12:11
Chủ nhật, 11/08/2024 15:08
TMO - Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã phóng thích 109 triệu ong kí sinh, trong đó có 5 triệu ong ký sinh ấu trùng và 104 triệu ong ký sinh nhộng để tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, để phòng trừ sâu đầu đen tấn công vườn dừa, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã nhân nuôi ong ký sinh tại 9 điểm bao gồm Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Giống và Hoa kiểng thuộc các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành.
Từ đầu năm đến nay, tổng diện tích vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen của tỉnh là hơn 2.769ha; trong đó, diện tích phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học là hơn 2.274ha (tỷ lệ 82,1%), diện tích vườn dừa phải đốn bỏ do sâu đầu đen gây hại là trên 93ha. Để bảo vệ vườn dừa, ngành nông nghiệp đã phóng thích 109 triệu ong ký sinh để tiêu diệt sâu đầu đen, trong đó 5 triệu ong ký sinh ấu trùng và 104 triệu ong ký sinh nhộng.
Tỉnh Bến Tre đã phóng thích 5 triệu ong ký sinh ấu trùng và 104 triệu ong ký sinh nhộng để tiêu diệt sâu đầu đen, bảo vệ vườn dừa. (Ảnh minh hoạ).
Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre cho biết, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương vận động để nông dân chủ động hơn trong công tác quản lý sâu đầu đen, thăm vườn thường xuyên và thực hiện biện pháp quản lý tổng hợp để đảm bảo quản lý hiệu quả phòng trừ. Đặc biệt, khuyến cáo nông dân không phun thuốc hóa học trên các vườn dừa trong vùng đã thả ong ký sinh nhằm duy trì nguồn thiên địch trong tự nhiên, cũng như bảo vệ những ao nuôi tôm xung quanh và duy trì việc trồng dừa theo hướng hữu cơ.
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, trong 6 tháng đầu năm 2024, diện tích nhiễm sâu đầu đen tại các địa phương có tăng so với đầu năm 2024, nhưng tỷ lệ gây hại thấp so với các năm trước. Diện tích nhiễm nặng chủ yếu trên các vườn dừa ven đường thiếu chăm sóc, ít quan tâm phòng trừ. Các vườn đã thực hiện các biện pháp tổng hợp, phóng thích ong ký sinh có tỷ lệ phục hồi khá tốt, mức độ lây lan giảm. Qua đó, cho thấy biện pháp sinh học là hữu hiệu nhất để phòng trừ sâu hại dừa trong thời gian tới.
Vân Anh
Bình luận