Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 03:01
Thứ hai, 27/05/2024 13:05
TMO - Mặc dù công tác di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên tỉnh Bến Tre kiên quyết thực hiện để đạt được hiệu quả cao nhất theo đúng Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Các địa phương trong tỉnh Bến Tre đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2020 của HĐND tỉnh về việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Công tác này tuy gặp nhiều khó khăn nhưng chính quyền và người chăn nuôi phải kiên quyết thực hiện để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre, năm qua, toàn tỉnh đã giải ngân cho 559 hộ chăn nuôi với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng để thực hiện công tác di dời ra khỏi phạm vi không được phép chăn nuôi. Cá biệt tại 2 huyện là Thạnh Phú và Châu Thành chưa hỗ trợ di dời, do còn một số xã đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch hoặc quy hoạch mới chưa được phê duyệt, nên việc xác định khu vực không được phép chăn nuôi còn chậm.
Tỉnh Bến Tre kiên quyết thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi để bảo vệ môi trường. (Ảnh minh hoạ)
Theo số liệu tổng hợp từ các huyện, thành phố (còn huyện Mỏ Cày Nam đang chờ bổ sung), toàn tỉnh hiện có 1.661 hộ chăn nuôi thuộc đối tượng ưu tiên hỗ trợ (các khu dân cư hiện hữu; các công trình công cộng như: trạm xá, trường học, trụ sở, nhà văn hóa; các cơ sở gây ô nhiễm…) đã hoàn chỉnh hồ sơ thực hiện di dời, với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ hơn 57 tỷ đồng. Được biết, năm 2024 là năm cuối thực hiện chính sách hỗ trợ di dời. Số cơ sở thuộc diện di dời theo Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh nhưng không thuộc diện ưu tiên hỗ trợ (năm 2024) là 1.096 hộ.
Sở NN&PTNT cho biết, khó khăn hiện nay là nhiều hộ dân nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi nhưng không có đất để di dời hoặc nếu muốn chăn nuôi tiếp phải thuê đất, nhưng hiện nay giá thuê đất khá cao. Khi người dân tự di dời chuồng trại ra địa điểm chăn nuôi mới thì chủ yếu di dời ra khu vực đất trồng lúa gây khó khăn cho địa phương trong quản lý quy hoạch sử dụng đất lúa. Các hộ có quy mô chăn nuôi lớn khi thực hiện di dời đến khu vực được phép chăn nuôi thì phải xây dựng lại cơ sở chăn nuôi từ đầu nên cần nguồn vốn để đầu tư.
Phương Thảo
Bình luận