Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ năm, 23/11/2023 20:11
TMO - Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế.
Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030. Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển thân thiện với môi trường, công nghiệp xanh...
Theo đó, Chiến lược sẽ huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại. Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; điện tử và viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
(Ảnh minh họa)
Mục tiêu tổng quát được đặt ra là đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu; đội ngũ lao động có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại. Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.
Mục tiêu cụ thể: tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 7,0-7,5%/năm; giai đoạn 2026-2035 đạt 7,5-8,0%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2025 đạt 11,0-12,5%/năm và giai đoạn 2026-2035 đạt 10,5-11,0%/năm. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 43-44% và năm 2035 chiếm 40-41% trong cơ cấu kinh tế cả nước; tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu/tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 85-88%, sau năm 2025 đạt trên 90%; giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt khoảng 45% tổng GDP, sau năm 2025 đạt trên 50%.
Chỉ số ICOR (Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) công nghiệp giai đoạn 2011-2025 đạt 3,5-4,0%; giai đoạn 2026-2035 đạt 3,0-3,5%; hệ số đàn hồi năng lượng/GDP năm 2015 đạt 1,5; năm 2020 đạt 1,0 và đến năm 2035 duy trì ở mức 0,6-0,8, tiệm cận với các nước trong khu vực. Đối với Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam, tập trung vào một số ngành công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu; tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; khuyến khích phát triển dân doanh, đầu tư nước ngoài; thúc đẩy phát triển bền vững khu vực kinh tế ngoài nhà nước; chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển nguồn nhân lực công nghiệp là điều kiện quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển công nghiệp theo các chuẩn mực về môi trường, tiến tới công nghệ xanh.
Về quy hoạch ngành công nghiệp, sẽ có 10 ngành được tập trung xây dựng lại là cơ khí-luyện kim; hóa chất; điện tử, công nghệ thông tin; dệt may-da giày; chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản; điện; than; dầu khí… Quy hoạch cũng đưa nhiều giải pháp để thực hiện, các giải pháp được chia thành giải pháp ngắn hạn và giải pháp dài hạn. Các nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp; tăng cường điều phối theo vùng lãnh thổ, phân cấp hợp lý trong quản lý nhà nước về công nghiệp; tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế được đưa lên hàng đầu trong các nhóm giải pháp ngắn hạn.
Bài tiếp: [Bảo vệ môi trường các khu công nghiệp] Cần giải pháp căn cơ, bền vững
VŨ MINH
Bình luận