Hotline: 0941068156

Chủ nhật, 19/01/2025 01:01

Tin nóng

Đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025

Thêm 15 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Bến Tre: Thiên tuế hơn 200 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Việt Nam – Lào: Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế theo hướng bền vững

Dấu ấn VACNE năm 2024

Thủ tướng: Đổi mới, sáng tạo, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình

TP. HCM: 8 cổ thụ tại Thảo Cầm viên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Mù Cang Chải (Yên Bái): 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Năm 2024 đánh dấu nhiều thành tựu quan trọng về chính sách, pháp luật ngành tài nguyên, môi trường

Đồng Tháp: Ghi nhận 7 cá thể sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Quảng Ninh: 156 cây cổ thụ tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long được công nhận Cây Di sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố loạt sự kiện nổi bật của ngành năm 2024

Nhiều ý nghĩa trong việc sớm hoàn thành tái thiết các khu dân cư

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Giai đoạn 2021-2030 Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân từ 8,5 - 9,5%

Hải Phòng: Thêm 4 cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thêm 49 cây cổ thụ đủ điều kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 8%, tạo đà năm 2026

Chủ nhật, 19/01/2025

Bảo vệ hệ sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Thứ năm, 08/02/2024 06:02

TMO - Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) là nơi bảo tồn hơn 500 loài thực vật, động vật, trong đó có một số động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và nhiều dược liệu quý hiếm.

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có diện tích khoảng 2.800 ha, là nơi bảo tồn hơn 330 loài thực vật và 206 loài động vật, trong đó có một số động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Năm 2021, UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt phương án sử dụng đất của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, sau khi bàn giao diện tích 38,5 ha cho địa phương quản lý, diện tích còn lại Khu đang quản lý là 2.762 ha (gồm 3 phân khu: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 1.001 ha; phân khu phục hồi sinh thái 929 ha; phân khu dịch vụ hành chính 832 ha).

Đây là khu đất ngập nước tiêu biểu của vùng Tây Sông Hậu, là nơi bảo tồn sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, sự đa dạng sinh học, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa, các loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm. Trong đó, có các loài chim quý hiếm là bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám... và các loài thú như: dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo… cùng các loài quý hiếm khác như: càng đước, cua đinh, rùa vàng, ếch giun…

Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng với hệ sinh thái đa dạng cần được bảo tồn và khai thác hợp lý giá trị tài nguyên. 

Lung Ngọc Hoàng có các khu vực sinh thái rõ rệt: Khu Bảo vệ nghiêm ngặt là vùng lõi của Lung Ngọc Hoàng, cảnh quan còn hoang sơ, giàu đa dạng sinh học, nơi bảo tồn nguồn gen thực vật, động vật hoang dã đặc hữu theo diễn thế tự nhiên, hạn chế tối đa sự tác động của con người; Lung Ba Đìa, Lung Sen, địa điểm sinh sống, làm tổ của các loài chim hoang dã, động vật rừng, thủy sinh, thủy sản bản địa.

Khu Phục hồi sinh thái, dành cho việc thực nghiệm, phục hồi hệ sinh thái đầm lầy với các loài cây Gáo, Trâm, Còng, Ô môi, Đủng đỉnh… đã sưu tập được nhiều cây dược liệu quý, hiếm (thuốc Nam); đặc biệt, còn tồn tại 0,4 ha rừng Tràm 40 năm tuổi với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, ghi nhận dấu vết hoạt động của nhiều cá thể Trăn, Nưa quý hiếm và không gian thú vị với hàng trăm Tổ ong mật đóng kèo rải rác trong rừng Tràm. 

Xác định công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng hàng đầu của Khu bảo tồn (KBT), Ban Giám đốc KBT thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng luôn chủ động triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; đầu tư xây dựng các cống ngăn mặn; mua sắm phương tiện, thiết bị giám sát; tăng cường tuần tra canh gác bảo vệ rừng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương giáp ranh thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng.

Cùng với việc triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo an toàn, bền vững trước những tác động của biến đổi khí hậu... Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cũng rất chú trọng đến việc hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân địa phương, đặc biệt là những người đã và đang tích cực tham gia bảo vệ rừng, giúp họ có việc làm ổn định, cải thiện thu nhập, ổn định đời sống. Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đã thành lập nhiều Tổ tự quản bảo vệ rừng, trong đó, đa phần các thành viên của Tổ tự quản có hoàn cảnh khó khăn, chưa có việc làm ổn định. Để giúp các thành viên Tổ tự quản bảo vệ rừng yên tâm thực hiện nhiệm vụ, hàng tháng, KBT đều hỗ trợ cho mỗi người một khoản tiền nhất định; đồng thời, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các hoạt động như gác kèo ong, trồng chuối, khoai mì…tại một số phân khu để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu BTTN này. 

Trong thời gian tới, để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng tại KBT; đồng thời, tạo sinh kế, giúp người dân địa phương tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, KBT Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng sẽ tham mưu UBND tỉnh Hậu Giang triển khai Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, KBT Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cũng sẽ tăng cường quản lý hiệu quả diện tích đất, diện tích rừng đặc dụng tại KBT theo chức năng, nhiệm vụ được quy định. Cùng với đó, KBT Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra kết hợp với thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng dân cư cùng tham gia công tác bảo vệ tài nguyên rừng; tổ chức thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2023-2025, kiên quyết không để xảy ra cháy rừng.

Để góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, KBT Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng sẽ tiếp tục hỗ trợ tiền cũng như tạo việc làm ổn định cho các thành viên Tổ tự quản bảo vệ rừng. Đồng thời, KBT tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng hỗ trợ người dân sống xung quanh KBT triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là mô hình trồng khóm MD2; hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay tín dụng để đầu tư sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

KBT Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Phát triển du lịch sinh thái tại KBT Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Hậu Giang, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của KBT và tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần cùng tỉnh Hậu Giang thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Trong chuyến khảo sát thực địa tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (tháng 7/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là tài sản quý hiếm của tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung; không những có giá trị về mặt sinh thái, thiên nhiên mà còn gắn với lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng; là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh. Do đó, cần giữ gìn, bảo vệ rừng nguyên sinh, môi trường rừng nghiêm ngặt, khoa học, hiệu quả. 

Đề án du lịch sinh thái Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng đã được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 7/6/2021, nhằm phát huy hết tiềm năng, giá trị của rừng đặc dụng nơi đây, góp phần phát triển du lịch của tỉnh. Đây là cơ sở để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê môi trường rừng của Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng lập dự án đầu tư du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đảm bảo phù hợp các quy định của pháp luật. Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết lập các tuyến du lịch sinh thái, tạo dựng các điểm đến hấp dẫn làm cơ sở đưa Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là trung tâm du lịch lớn của tỉnh, là khu du lịch quốc gia giai đoạn đến năm 2030.

Thực hiện chính sách chia sẻ lợi ích đối với người dân địa phương, gắn với phát triển du lịch sinh thái, tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân vùng đệm thông qua các dự án phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các sản phẩm du lịch được định hướng phát triển rất cụ thể, bao gồm sản phẩm theo hướng truyền thống (Du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên gắn với hệ động thực vật; Du lịch vui chơi giải trí; Du lịch gắn với bản sắc địa phương; Ẩm thực, mua bán sản phẩm lưu niệm,…) và các sản phẩm theo hướng độc đáo (Du lịch “con đường Tràm”; Du lịch trải nghiệm, khám phá “thuần thiên nhiên”; Du lịch nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường; Du lịch trải nghiệm kết hợp dịch vụ sản xuất; Du lịch trải nghiệm, mạo hiểm...).

 

 

Minh An 

 

 

 

 

  

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline