Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ ba, 19/07/2022 21:07
TMO - Tỉnh ủy Gia Lai vừa có báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, địa phương này đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án trên.
Theo báo cáo, đến nay tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai là hơn 3.987 ha, tăng gần 3.002 ha so với năm 2020. Trong đó, cây dược liệu dưới tán rừng là 956,8 ha, tăng 696,3 ha so với năm 2020; dược liệu trồng trên đất nông nghiệp là 3.030,6 ha, tăng 2.305,67 ha so với năm 2020.
Vườn dược liệu đương quy tại xã Sơ Pai, huyện Kbang. Ảnh: NS
Trên địa bàn tỉnh cũng đã phát triển một số mô hình trồng dược liệu có hiệu quả như: mô hình trồng sâm bố chính tại Kbang, trồng cây hoa hòe tại Kông Chro, trồng cà gai leo tại Kông Chro. Đối với các dự án đầu tư phát triển cây dược liệu, hiện có 4 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 497 tỷ đồng; có 10 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư với quy mô khoảng 1.821 ha, tổng vốn dự kiến đầu tư trên 7.272 tỷ đồng.
Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục tham mưu UBND tỉnh bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 (đợt 2) đối với 9 dự án trồng, nhân giống và phát triển cây dược liệu có ứng dụng công nghệ cao, phát triển dược liệu dưới tán rừng với tổng diện tích 8.450 ha, tổng vốn đầu tư 4.197 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất. Toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 142 ha trồng dược liệu ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, 6 ha ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô lan kim tuyến. Các hoạt động chế biến dược liệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ dược liệu được các cấp, ngành tích cực triển khai, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm dược liệu trong và ngoài tỉnh.
Theo thống kê, tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 600 loài dược liệu thuộc 153 họ tập trung ở dưới tán rừng; trong đó, 21 loài dược liệu là thực vật quý hiếm được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và 30 loài dược liệu được sử dụng rộng rãi như mật nhân, sa nhân, đẳng sâm, đương quy, đinh lăng, ba kích...
Huyện Chư Sê tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu mở rộng diện tích trồng cà gai leo, đương quy, cát cánh... Ảnh: Hồng Điệp
Đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn đến năm 2025, định hướng năm 2030 được thực hiện tại 17 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, đặc biệt ưu tiên phát triển tại các vùng có tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu như: huyện Kbang, Đắk Đoa, Mang Yang, An Khê, Chư Sê, Chư Pưh, Krông Pa, Ia Pa với nguồn vốn 5.200 tỷ đồng.
Theo Đề án, dự kiến đến năm 2030, Gia Lai sẽ phát triển diện tích dược liệu đạt khoảng 20.000 ha; trong đó, diện tích trồng sâm Ngọc Linh khoảng 800 ha, lan kim tuyến 1.000 ha, thất diệp nhất chi hoa 500 ha, đinh lăng 2.500 ha, mật nhân 2.000 ha, sa nhân tím 1.000 ha, đẳng sâm 1.000 ha, đương quy 1.000 ha, cà gai leo 1.000 ha...
Mục tiêu của Đề án là bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên; bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu bản địa, đặc hữu, quý hiếm, có giá trị và có nguy cơ tuyệt chủng. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh sẽ hình thành Trung tâm bảo tồn tri thức y học cổ truyền và nguồn gen cây thuốc quý của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai; khai thác bền vững các loại dược liệu trong tự nhiên, dưới tán rừng gắn với việc bảo vệ rừng.
Đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu; tận dụng tiềm năng, cơ hội thị trường nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên dược liệu; đồng thời, bảo tồn và phát triển cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh.
Cùng với đó, tỉnh Gia Lai sẽ hình thành chuỗi liên kết giá trị bền vững và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến để tạo ra các thương phẩm có chất lượng cao, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu.
Lê Hằng
Bình luận