Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ sáu, 22/07/2022 12:07
TMO - Hà Giang là tỉnh duy nhất trên cả nước có quần thể Voọc mũi hếch sinh sống tại khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Để bảo tồn loài linh trưởng đặc hữu này, những năm qua tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp, đồng thời tăng cường hợp tác với các tổ chức bảo tồn động vật quốc tế nhằm bảo tồn bền vững loài trên.
Theo các chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI), hiện trên thế giới ước tính chỉ còn khoảng 250 cá thể voọc mũi hếch, với 4 loài. Trong đó, ở Trung Quốc có 3 loài và ở Việt Nam có 1 loài. Loài voọc mũi hếch ở Việt Nam là loài đặc chủng của nước ta.
Năm 2002, các nhà khoa học phát hiện một quần thể voọc mũi hếch có số lượng khoảng 60 con tại rừng Khau Ca (Hà Giang), theo ghi nhận đây là quần thể lớn nhất tại Việt Nam. Theo thống kê, Hà Giang hiện có khoảng 200 cá thể Voọc mũi hếch, trong đó ở khu rừng Khau Ca có khoảng 140 - 160 cá thể và khu rừng Cao - Tả -Tùng thuộc 3 xã: Cao Mã Pờ, Tả Ván, Tùng Vài thuộc huyện Quản Bạ có khoảng 10 - 20 cá thể.
Voọc mũi hếch tại tỉnh Hà Giang là loài linh trưởng đặc hữu tại Việt Nam. Ảnh: Khắc Quyết
Từ khi phát hiện quần thể voọc mũi hếch trên địa bàn, tỉnh Hà Giang đã tăng cường phối hợp với Tổ chức bảo tồn Động thực vật hoang dã quốc tế (Tổ chức FFI) tại Việt Nam thực hiện các chương trình, dự án bảo tồn như: Xây dựng đề xuất hành động bảo tồn loài Voọc mũi hếch và Ngọc Lan ở vùng rừng Tùng Vài năm 2010; xây dựng thành công mô hình đồng quản lý bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Voọc mũi hếch Khau Ca năm 2011.
Các hoạt động trên đã góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt bảo tồn quần thể Voọc mũi hếch - một trong 25 loài linh trưởng cực kỳ quý hiếm trên thế giới tại rừng Khau Ca và khu rừng Cao Mã Pờ, Tả Ván, Tùng Vài.
Nhằm nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn Voọc mũi hếch cho đồng bào các dân tộc ở những vùng phát hiện có loài vật quý hiếm này, những năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang đã phối hợp cùng với UBND các huyện tổ chức tuyên truyền về các biện pháp bảo tồn loài linh trưởng này cho trên 5.000 hộ dân sống quanh vùng và trong khu bảo tồn.
Sau khi được phổ biến kiến thức, người dân đã cam kết không săn bắt, không đặt bẫy, giăng lưới bắt loài linh trưởng này. Đặc biệt, bà con các dân tộc thiểu số khu vực voọc mũi hếch sinh sống cũng đã bỏ được tập quán phát nương làm rẫy nên không làm thay đổi sinh cảnh, tạo môi trường cho loài vật quý hiếm này sinh sống và phát triển.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ loài voọc mũi hếch; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân giao nộp, thu hồi súng săn, vật liệu nổ, bẫy động vật hoang dã; kiện toàn các tổ chức tự quản trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng ở các địa bàn vùng có Voọc mũi hếch sinh sống.
Các chuyên gia Tổ chức FFI tại Việt Nam kết hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh khảo sát thực tế tại khu rừng Khau Ca. Ảnh: Lê Hải
Vừa qua (21/7), UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Lễ ký kết Bản ghi nhớ bảo tồn Vọoc mũi hếch và các loài thực vật nguy cấp tại Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2027 với Tổ chức bảo tồn Động thực vật hoang dã quốc tế tại Việt Nam (FFI).
Theo đó, trong giai đoạn 2022-2027, UBND tỉnh Hà Giang và Tổ chức FFI tại Việt Nam thực hiện bảo tồn Voọc mũi hếch và các thực vật nguy cấp thông qua các hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học, giám sát quần thể và sinh cảnh; phục hồi, mở rộng sinh cảnh rừng.
Hai bên thiết lập hành lang sinh thái; ngăn chặn, giảm thiểu các mối đe dọa do các hoạt động con người đối với Voọc mũi hếch và sinh cảnh của chúng; ứng dụng công nghệ tiến bộ trong nghiên cứu bảo tồn, nâng cao nhận thức bảo tồn; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Đồng thời, tạo lập cơ chế tài chính bền vững để bảo tồn rừng qua hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng hoặc các dịch vụ hệ sinh khác; khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn dựa vào cộng đồng thông qua việc hỗ trợ thành lập, đào tạo nhóm bảo tồn cộng đồng, nhóm tuần rừng.
Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Vườn Quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn trên cơ sở sáp nhập Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già với Khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Khau Ca, phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt là hơn 11 nghìn ha. Từ đó, việc bảo tồn loài voọc mũi hếch tại Khau Ca được thực hiện tốt hơn.
Khánh Nam
Bình luận