Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 06:11
Thứ ba, 02/04/2024 08:04
TMO - Vườn quốc gia Sông Thanh (tỉnh Quảng Nam) có những giá trị bảo tồn cấp quốc gia và toàn cầu với hệ thực vật vô cùng phong phú và đa dạng khi có hơn 899 loài thực vật bậc cao, trong đó có 101 loài trong Sách đỏ.
Vườn quốc gia Sông Thanh nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Quảng Nam, trải dài trên địa bàn 12 xã của 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn thuộc khu vực biên giới Việt Nam-Lào, phía Nam giáp với tỉnh Kon Tum. Vườn có tổng tổng diện tích hơn 76.669 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích hơn 58.225 ha và 18.367 ha là phân khu phục hồi sinh thái.
Tháng 8/2021,Chính phủ ban hành quyết định thành lập Vườn quốc gia Sông Thanh, sau đề nghị của Quảng Nam về việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành vườn quốc gia. Vườn quốc gia này nằm tiếp giáp với các khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum) và Ngọc Linh - Nam Trà My (Quảng Nam), Vườn quốc gia Sông Thanh có khả năng liên kết để tạo thành vùng rừng tập trung rộng lớn trên dãy Trường Sơn và xuyên biên giới quốc tế.
Vườn quốc gia Sông Thanh có những giá trị bảo tồn cấp quốc gia và toàn cầu với hệ thực vật vô cùng phong phú. Ảnh: HP.
Vườn quốc gia Sông Thanh có những giá trị bảo tồn cấp quốc gia và toàn cầu với hệ thực vật vô cùng phong phú và đa dạng khi có hơn 899 loài thực vật bậc cao, trong đó có 101 loài trong Sách Đỏ. Đặc biệt, vườn có một số loại quý, hiếm như trầm hương, lan kim tuyến, chò chỉ Lào, mây sông Thanh, lá nón Trung Bộ. Ngoài ra, vườn còn là một khu vực rừng hỗn giao tập trung hàng trăm ha pơ mu, đây là kiểu rừng độc đáo cần được bảo vệ.
Về động vật, Vườn quốc gia Sông Thanh có 53 loài thú, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá và nhiều loại động vật không xương sống khác; trong đó, có 23 loài thú, 12 loài chim, 16 loài bò sát và 3 loài lưỡng cư có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Vườn có nhiều loài thú quý hiếm, đặc hữu như voọc vá chân nâu, voọc vá chân xám, mang lớn, mang Trường Sơn, trong đó mang Trường Sơn được phát hiện ở Quảng Nam vào năm 1997. Ngoài ra, các quần thể voọc vá, cu li và vượn tại Vườn quốc gia Sông Thanh là những quần thể linh trưởng khá tập trung của Việt Nam và thế giới.
Vườn quốc gia Sông Thanh có vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam và toàn cầu bởi các đặc điểm mà hiếm khu vườn nào khác có được. Cụ thể, vườn nằm hoàn toàn trong một khu rừng đặc dụng lớn, có vai trò kết nối sinh cảnh với Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (tỉnh Quảng Nam), Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum), Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi – Quảng Nam… tạo ra một trong những vùng có diện tích rừng tự nhiên liên tục lớn, lên đến 500.000 ha ở khu vực miền Trung và cả nước…
Việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành Vườn quốc gia Sông Thanh với các khu chức năng: Khu bảo vệ nghiêm ngặt, có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên rừng và đất, cảnh quan và các tài nguyên sinh học đảm bảo tự nhiên của các hệ sinh thái; thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái rừng; hỗ trợ dịch vụ du lịch sinh thái. Khu phục hồi sinh thái, có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng; phục hồi các hệ sinh thái rừng, khôi phục đa dạng sinh học và các giá trị khác của khu rừng; thực nghiệm, nghiên cứu lâm sinh, động, thực vật và địa chất, thủy văn, phát triển du lịch sinh thái…
Vườn quốc gia Sông Thanh được thành lập không chỉ có ý nghĩa bảo tồn, mà còn tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thúc đẩy các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới, các loài động vật quý hiếm, khu rừng Trường Sơn. Không những thế, Vườn quốc gia Sông Thanh còn góp phần phát huy thiết thực việc khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên với tiềm năng về du lịch khác như Đường Hồ Chí Minh lịch sử, các di tích nền văn hóa Sa Huỳnh, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Tây Quảng Nam, nhằm cải thiện sinh kế địa phương thông qua các hoạt động sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên.
Công tác bảo tồn đa đạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái được đẩy mạnh triển khai tại VQG Sông Thanh. Ảnh: HP.
Với sự đa đạng sinh học, sự kiến tạo độc đáo của thiên nhiên, Vườn quốc gia Sông Thanh có nhiều lợi thế phát triển loại hình du lịch sinh thái, có thể khai thác tuyến đi bộ xuyên rừng, trải nghiệm du lịch mạo hiểm, cắm trại qua đêm, tham quan ngắm nhìn thác Grăng, cầu Thác Nước…thời gian qua có nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kết nối tour tuyến.
Đây được xem là cơ hội để Vườn quốc gia Sông Thanh đẩy mạnh kết nối phát triển du lịch sinh thái theo hướng mở, kết hợp với các giá trị văn hóa cộng đồng vùng cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách trải nghiệm bằng sản vật đặc trưng núi rừng. Vườn quốc gia Sông Thanh hoàn toàn có thể phát triển các loại hình du lịch sinh thái, từ hành trình đi bộ xuyên rừng, cắm trại qua đêm, tham quan ngắm nhìn thác nước, cho đến hoạt động trải nghiệm du lịch mạo hiểm, chèo thuyền trên sông, sinh tồn trong rừng tự nhiên…
Trong đó, các đơn vị sẽ chú trọng khai thác mở các tour du lịch khám phá từ Khe Ru đến thác Ba Tầng, nhằm hướng đến kế hoạch bảo vệ, quản lý rừng tốt hơn. Thông qua các tour du lịch trải nghiệm, du khách sẽ được chứng kiến việc tháo dỡ bẫy thú của lực lượng bảo vệ rừng và xử lý các tình huống bảo vệ rừng. Đề án phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Sông Thanh hướng đến việc đưa vẻ đẹp sinh cảnh tiềm năng của VQG Sông Thanh trở thành điểm tham quan du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách thích khám phá, chiêm ngưỡng khu rừng nguyên sinh, sông suối và trải nghiệm sự đa dạng của sinh vật trong môi trường hoang sơ, hùng vĩ.
Thời gian qua, Vườn quốc gia Sông Thanh chú trọng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra về đa dạng sinh học, ghi nhận sự xuất hiện của nhiều loại động vật quý hiếm. Trong đó, lực lượng kiểm lâm khu vực này đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, công nghệ số trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ hết sức quan trọngƯu điểm của phần mềm SMART (phần mềm quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra) là một bộ công cụ số nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý dữ liệu, báo cáo các hoạt động tuần tra một cách hiệu quả.
Định kỳ 15 ngày một lần, dữ liệu được nhập vào phần mềm Smart, từ đó có thể quản lý, giám sát hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách cũng như nắm bắt các thông tin kịp thời; đồng thời xây dựng báo cáo một cách khoa học, hợp lý. Các tổ bảo vệ rừng đều triển khai áp dụng phần mềm SMART trong công tác tuần tra bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học. Trong năm 2023, VQG Sông Thanh tiếp tục phối hợp xây dựng kế hoạch tập huấn phần mềm SMART áp dụng vào công tác tuần tra, kiểm tra rừng toàn lâm phận cho toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên. Ban quản lý VQG còn ứng dụng hệ thống phần mềm theo dõi diễn biến, tác động tới rừng, chủ yếu theo dõi diễn biến rừng, mất rừng hằng năm.
Thu Hương
Bình luận