Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ hai, 24/10/2022 22:10
TMO - Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu nằm trên địa bàn huyện Quan Hóa và Mường Lát, là một trong những khu vực ghi nhận mức độ đa dạng sinh học cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Những năm gần đây, việc triển khai nhiều dự án nghiên cứu về hệ sinh thái, Khu bảo tồn đã phát hiện và ghi nhận nhiều loài động, thực vật có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu với tổng diện tích gần 28.000 ha. Kết quả điều tra cho thấy, hiện Khu bảo tồn này có 2.640 loài động thực vật, trong đó có 52 loài thực vật, 51 loài động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007.
Vừa qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) cho biết, đơn vị đã phát hiện 15 con rùa đầu to và 10 con rùa núi viền trong rừng của khu bảo tồn. Ban quản lý đã đánh giá hiện trạng quần thể, đặc điểm hình thái và tập tính, thức ăn, sinh cảnh sống của hai loài rùa này để xây dựng bản đồ phân bố loài.
Rùa núi viền vừa được phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu - Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu
Theo đó, loài rùa núi viền (tên khoa học là Manouria impressa) thuộc họ rùa cạn Testudinidae, bộ rùa Testudinata, trên đầu rùa có nhiều tấm sừng, mai rùa không gồ cao, chân hình trụ, yếm màu vàng có các tia phóng xạ màu nâu. Rùa này thường sống ở khe rãnh, thung lũng ẩm ướt độ cao 1.500m; thức ăn là các loại quả rụng, mầm cỏ, các loại nấm. Trên thế giới, loài rùa này đã xuất hiện tại Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Việt Nam (ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Tuyên Quang)... Tại Thanh Hóa, loài rùa này xuất hiện tại các tiểu khu 42, 49, 56 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu.
Còn loài rùa đầu to (tên khoa học là Plastysternon megacephalum) thuộc họ rùa đầu to Platysternidae, bộ rùa Testudinata. Loài rùa này đầu to, không thụt vào trong mai được, mai rùa màu xám, đuôi dài. Rùa đầu to thường sống ở các suối trong rừng và kiếm ăn lúc xẩm tối hoặc ban đêm. Thức ăn chủ yếu của rùa đầu to là cá nhỏ, thân mềm, cua, giun đất và những động vật không xương sống khác.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2022, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu cho biết, kết quả đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài linh trưởng trong giai đoạn 2019 - 2021 đã phát hiện 5 loài linh trưởng quý hiếm thuộc 1 bộ, 2 họ đang sinh sống tại các khu rừng nhỏ trong khu bảo tồn.
Khỉ mốc, một loài Linh trưởng đã xuất hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Ảnh: BQL Khu BTTN Pù Hu
Sau quá trình triển khai nghiên cứu, đánh giá Ban quản lý đã xác định được hiện trạng quần thể, giới tính, sinh cảnh sống và xây dựng bộ bản đồ phân bố, 10 tuyến điều tra, 6 tuyến giám sát các loài linh trưởng ở các khu rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Qua đó, phát hiện 5 loài linh trưởng gồm: khỉ cộc, khỉ vàng, khỉ mốc, voọc xám và 1 loài họ cu li nhỏ. Tổng 5 loài linh trưởng quan sát được gồm 41 cá thể, trong đó có 13 cá thể đực trưởng thành, 20 cá thể cái trưởng thành, 4 cá thể đực bán trưởng thành và 4 cá thể cái bán trưởng thành.
Hiện Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đã xác định được các nguy cơ đe dọa tuyệt chủng và tìm ra các giải pháp bảo tồn các loài thú quý hiếm này, từ đó có nhiều giải pháp bảo vệ tốt hơn các loài linh trưởng, ngăn chặn tình trạng săn bắn, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của tự nhiên.
Để bảo tồn đa dạng sinh học, những năm qua thông qua các đề tài, dự án Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đã đẩy mạnh công tác ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công tác bảo tồn hệ sinh học tại đơn vị. Đặc biệt, đã phối hợp với đơn vị tư vấn, lập danh lục khu hệ động, thực vật trong KBT với 1.725 loài, thuộc 696 giống, 170 họ, 72 bộ, 12 lớp và 6 ngành, ghi nhận được 915 loài động vật. Đánh giá được mức độ đa dạng sinh học, xây dựng dữ liệu về đa dạng sinh học, xây dựng 1 bản đồ phân bố của một số loài động, thực vật quý hiếm.
Đặc biệt, thông qua Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng, xây dựng chương trình giám sát một số loài động vật quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu”, hiện nay Khu bảo tồn đã xây dựng được hệ giám sát về ĐDSH cho một số loài động thực vật, động vật chỉ thị quý hiếm của Khu bảo tồn, như: Gà tiền mặt vàng, gấu ngựa, thông tre lá dài, lan kim tuyến, rùa hộp trán và Bắc Bộ. Ngoài ra, đơn vị còn thành lập mạng lưới thông tin về loài xâm lấn, tố giác các hành vi xâm hại tài nguyên rừng; thực hiện chương trình phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội cho người dân vùng đệm, vùng lõi nhằm giảm áp lực cho khu bảo tồn.
Nhằm bảo vệ và phát triển bền vững giá trị tài nguyên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt "Phương án bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, giai đoạn 2021-2030" với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững rừng đặc dụng và vùng đất ngập nước Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu; gìn giữ, phát huy các giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với thực hiện hiệu quả mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân vùng đệm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương...
Ban quản lý Khu BTTN Pù Hu đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ rừng nhằm bảo tồn đa dạng sinh học
Trong đó, chú trọng đến nhiệm vụ bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có, ngăn chặn 06 mối nguy cơ đe dọa đến tài nguyên rừng, phục hồi sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, các chương trình nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động thực vật rừng quý, hiếm, có nguy cơ đe dọa cao.
Phát triển rừng (trồng mới, nuôi dưỡng, làm giàu diện tích rừng nghèo và nghèo kiệt...) nhằm phát huy tối đa chức năng bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đất, bảo vệ, điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất; hạn chế tối đa xói mòn, rửa trôi đất, thiên tai, lũ lụt, hạn hán và cải tạo nâng cao độ phì nhiêu của đất gắn với bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, loài ưu tiên bảo vệ.
Kế hoạch bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được triển khai như sau: Tập trung thực hiện các hoạt động để bảo vệ an toàn 27.653,69 ha rừng và đất rừng. Đối với diện tích rừng dự kiến bàn giao về cho địa phương tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo vệ đến khi cấp thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định.
Chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), quản lý nương rẫy, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy, xây dựng các công trình phục vụ công tác bảo vệ rừng và PCCCR 25 bảng tuyên truyền, 200 biển báo cấm lửa, 10 đập nước, 100 km đường băng trắng, đường ranh cản lửa; mua sắm 10 xe gắn máy, 40 loa cầm tay, 16 ống nhòm, 24 GPS Data Logger, 20 bộ võng, bạt, mùng; 10 máy thổi gió, 10 máy cắt thực bì và các thiết bị cần thiết khác phục vụ công tác PCCCR.
Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, chủ động thực hiện công tác dự tính, dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại rừng gắn liền với công tác tuần tra, bảo vệ rừng do lực lượng Kiểm lâm theo kế hoạch; thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh gây hại khi dịch bệnh xảy ra, sử dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp theo quy trình kỹ thuật đã được ban hành.
Xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển các nguồn gen động, thực vật đặc hữu, quý, hiếm, loài ưu tiên bảo vệ có giá trị khoa học, kinh tế, giáo dục, có nguy cơ tuyệt chủng cao; trọng tâm là các nhiệm vụ: Điều tra đánh giá, bảo tồn khu hệ động vật thuộc Bộ Linh trưởng, Bộ Móng guốc, Ếch nhái, Gặm nhấm...; và khu hệ thực vật với các loài thuộc ngành Thông, các loài lan, các hệ sinh thái đặc thù, điển hình vùng núi đất thấp.
Hoài Dương
Bình luận