Hotline: 0941068156
Thứ năm, 26/12/2024 18:12
Chủ nhật, 08/12/2024 06:12
TMO - Nhằm chủ động trong việc quản lý môi trường không khí, kiểm soát chặt chẽ ngay từ nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn, tỉnh Bắc Giang đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn thải gây ô nhiễm để nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên.
Cùng với tốc độ phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa, môi trường cũng chịu những tác động tiêu cực. Trước thực trạng này, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, nâng hạng chỉ số xanh cấp tỉnh. Trong đó chú trọng công tác quan trắc môi trường.
Lãnh đạo Trung tâm Quan trắc TN&MT Bắc Giang cho hay, hơn 1 năm trở lại đây, đơn vị đã thực hiện quan trắc khoảng 3.600 mẫu không khí, khí thải, nước thải phát sinh trong sinh hoạt, công nghiệp, y tế; nước dưới đất, đất, chất thải và bùn thải... cho các DN, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Việc quan trắc được thực hiện đúng quy trình, quy định, phản ánh trung thực chất lượng môi trường tại các điểm lấy mẫu. Thông qua các chỉ số góp phần cảnh báo sớm các hiện tượng, mức độ ô nhiễm và những tác động xấu đối với môi trường; là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Đến nay, các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (CCN), làng nghề ở tỉnh Bắc Giang có hệ thống nước thải tập trung đạt yêu cầu và nước thải đô thị, nước thải nông thôn được thu gom. Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang có 29 khu công nghiệp (KCN). Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã có 10 KCN được Thủ tướng chính phủ thành lập. Đáng chú ý, trong đó 6/6 KCN đang hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung và lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động.
Công suất đáp ứng việc thu gom, xử lý nước thải phát sinh của các doanh nghiệp thứ cấp trong các KCN. Đồng thời, tỉnh Bắc Giang có 38 CCN đã đi vào hoạt động, trong đó có 25 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt hơn 65%.
Các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, nước thải sinh hoạt được các hộ gia đình thu gom bằng bể tự hoại; nước thải chăn nuôi được thu gom bằng bể biogas xử lý trước khi thải ra môi trường.
Một số cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung để thu gom, xử lý. Đến nay, có 30 doanh nghiệp đã thực hiện việc lắp đặt và truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, đạt tỷ lệ hơn 68%; với tổng số 70 trạm quan trắc tự động đối với nước thải, khí thải.
Việc kiểm soát các nguồn phát sinh chất thải đã được các cơ sở, nhà máy quan tâm thực hiện. Đặc biệt hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có trên 97% chất thải rắn được xử lý. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang rất quan tâm quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Theo đó, tổng khối lượng rác thải phát sinh toàn tỉnh Bắc Giang hơn 934 tấn/ngày.
Hiện nay rác thải rắn thu gom được xử lý hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt 87%. (Ảnh minh hoạ).
Tỷ lệ rác thải được xử lý toàn tỉnh Bắc Giang đạt trên 97%, tương đương khoảng 907 tấn/ngày. Đáng chú ý, tỷ lệ chất thải rắn thu gom được xử lý hợp vệ sinh đạt 87% (thành thị 97,8%, nông thôn 80,9%). Đến nay, mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải ở tỉnh Bắc Giang đã được kiện toàn tại 100% các xã, phường, thị trấn với 171 công ty, hợp tác xã, các tổ đội vệ sinh môi trường chuyên trách, hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả. Đặc biệt, công tác phân loại rác thải tại nguồn ở tỉnh Bắc Giang được người dân đồng tình ủng hộ và triển khai đến 100% các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bắc Giang xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả và nhân rộng về phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời, nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Giang duy trì thường xuyên hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải tại các khu vực công cộng, đường giao thông, kênh mương góp phần xử lý triệt để các điểm tồn lưu rác thải và tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Bắc Giang cấp hơn 183 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã lắp đặt 22 lò đốt rác thải sinh hoạt và kinh phí thu gom, xử lý rác thải.
Đến nay, tỉnh Bắc Giang có 72 khu xử lý rác thải (trong đó có 6 khu xử lý vùng huyện tại thành phố Bắc Giang, Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Yên Thế, Lục Ngạn và 66 khu xử lý xã, cụm xã); 76 lò đốt công nghệ tại các khu xử lý rác thải. Rác thải sinh hoạt phần lớn được chôn lấp hợp vệ sinh tại 4 khu xử lý (thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên, huyện Hiệp Hòa và Yên Thế), phần còn lại được xử lý tại Nhà máy huyện Lục Ngạn công suất 100 tấn/ngày và 76 lò đốt với công suất từ 4-60 tấn/ngày.
Tỉnh Bắc Giang đang triển khai nhà máy xử lý rác và phát điện Bắc Giang và nhà máy xử lý chất thải rắn tại huyện Hiệp Hòa. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, việc quản lý chất thải nguy hại đạt kết quả tốt. Tổng khối lượng chất thải nguy hại phát sinh hơn 110 tấn/ngày (39.634 tấn/năm), trong đó khối lượng được thu gom, xử lý 109,9 tấn/ngày (39.579 tấn/năm).
Chất thải y tế nguy hại khoảng 1,38 tấn/ngày (495,9 tấn/năm), trong đó khối lượng được thu gom xử lý đạt 100%. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và tái chế phế liệu thực hiện xử lý chất thải công nghiệp thông thường, chất thải y tế và chất thải nguy hại với công suất 142.000 tấn/năm.
Nhằm quản lý hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm, tỉnh Bắc Giang đã tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là nguồn diện từ các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt phụ phẩm nông nghiệp, khu vực xây dựng; nguồn điểm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp).
Đồng thời yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở phát sinh bụi, khí thải lớn trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; đôn đốc, giám sát các cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan y tế địa phương và các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hành các biện pháp, giải pháp phân loại rác thải từ nguồn, xả thải đúng quy định…để đảm bảo an toàn cho môi trường tự nhiên.
Thu Huế
Bình luận