Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 21:02
Thứ tư, 19/02/2025 12:02
TMO - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu thủ trưởng các cơ quan đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của tỉnh đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Trong thời gian qua, công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đã tổ chức thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ rừng; việc ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, nhất là đối với hành vi cháy rừng, phá rừng trái pháp luật được ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2025 đến nay tình trạng cháy rừng liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh, có diễn biến phức tạp, diện tích cháy lớn, khó kiểm soát. Dự báo trong thời gian tới, nhất là thời điểm những tháng đầu năm bước vào mùa vụ trồng rừng, vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra phá rừng, cháy rừng, nhất là rừng tự nhiên tại các khu vực giáp ranh và khai thác lâm sản trái phép nếu không tiếp tục có.
Để chủ động thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của tỉnh đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng, chủ tịch UBND cấp xã có rừng, nhất là rừng tự nhiên tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; nắm bắt, ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ cơ sở tình trạng cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; khi xảy ra cháy rừng, khẩn trương triển khai phương án, huy động lực lượng tham gia chữa cháy, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo.
Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ rừng. Địa phương nào để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, cháy rừng nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý, báo cáo kịp thời, hiệu quả thì người đứng đầu địa phương và các cơ quan chức năng phải bị xem xét xử lý trách nhiệm theo đúng tinh thần Nghị quyết số 249NQ/TU ngày 1/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Lực lượng kiểm lâm tỉnh tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng.
Chỉ đạo kiểm tra, rà soát các địa bàn, khu vực trọng điểm nhạy cảm có nguy cơ xảy ra tình trạng cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật để tập trung lực lượng thường xuyên "bám rừng", tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm.
Tổ chức thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; chủ động về lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ bảo đảm kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn; chỉ đạo các lực lượng thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng; khi xảy ra cháy rừng, chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Đối với việc xử lý tình trạng tranh chấp, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại văn bản số 1360/UBND-NN ngày 20/3/2024 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp và văn bản số 126/UBND-NN ngày 8/1/2025 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; xử lý tình trạng tranh chấp, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường kiểm tra rừng, nhất là khu vực rừng tự nhiên; phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý kịp thời các hành vi đốt, phá rừng để trồng rừng kinh tế, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; tham mưu xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra trên diện tích rừng được giao quản lý nhưng không phát hiện, báo cáo, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.
Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp ngăn chặn tình trạng cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm; những cán bộ thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện, báo cáo và xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, cháy rừng trên địa bàn được giao quản lý, phụ trách.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm phát hiện sớm tình trạng mất rừng, cháy rừng. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương; lực lượng công an, dân quân các xã và chủ rừng duy trì hoạt động, thực hiện các quy chế, phương án bảo vệ rừng đã được ký kết; rà soát, nắm bắt các đối tượng thường xuyên phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật...
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chủ trì, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra các vụ vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự trong lĩnh vực lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nhất là các vụ gây cháy rừng, phá rừng trái pháp luật; sớm khởi tố vụ án, bị can để truy tố trước pháp luật.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng của các ban quản lý rừng, công ty, doanh nghiệp lâm nghiệp với người dân và sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty, doanh nghiệp lâm nghiệp.
Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, phòng tài nguyên và môi trường các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm về lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích.
Các chủ rừng là tổ chức phải chịu trách nhiệm chính và trước tiên trong quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng đối với diện tích được giao, cho thuê; thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời phát hiện ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng. Không để xảy ra tình trạng rừng bị cháy, phá, khai thác, lấn chiếm trái pháp luật nhưng không kịp thời phát hiện, báo cáo các cơ quan chức năng theo quy định.
Năm nay tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu trồng 6,4 triệu cây phân tán, 10 nghìn ha rừng tập trung.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh trồng được hơn 600 ha rừng tập trung, gần 100 nghìn cây phân tán và chuẩn bị trồng rừng tập trung khoảng 4 nghìn ha. Các địa phương có diện tích trồng rừng lớn như: Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế...
Để phục vụ công tác trồng rừng, toàn tỉnh đã sản xuất được hơn 14 triệu cây giống các loại (gồm hơn 6 triệu cây keo, gần 8 triệu cây bạch đàn). Năm nay tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu trồng 6,4 triệu cây phân tán, 10 nghìn ha rừng tập trung, trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn hơn 1,7 nghìn ha...
Để đẩy nhanh tiến độ cũng như nâng cao hiệu quả công tác trồng rừng, Chi cục Kiểm lâm thực hiện tốt công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, giám sát nguồn gốc giống khi đưa vào gieo ươm; tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống lựa chọn giống tốt, có nguồn gốc xuất xứ, nâng cao tỷ lệ giống sản xuất từ công nghệ cấy mô, có năng suất cao vào trồng rừng và trồng cây phân tán.
Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng chuẩn bị tốt hiện trường trồng rừng, trồng cây phân tán; đưa giống mới, có năng suất cao vào trồng. Cùng đó áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng.
Nguyễn Hương
Bình luận