Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ bảy, 18/05/2024 11:05
TMO - Hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ thời gian qua đã làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn. Trước thực trạng này UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các Sở, ngành, địa phương cần chú trọng triển khai nhiều giải pháp tăng cường bảo vệ môi trường để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới.
Theo quyết định của UBND tỉnh ban hành tháng 6/2023, tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) gồm các nội dung: Cảnh quan, không gian xanh - sạch - đẹp, an toàn; không để tồn đọng nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và bảo đảm 3 sạch; tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn thôn ký cam kết không gây ô nhiễm môi trường, không vứt bừa bãi rác thải, động vật chết ra đường; tỷ lệ cơ sở chăn nuôi bảo đảm các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường; mai táng, hỏa táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch.
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 171 công ty, hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường chuyên trách thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Đồng thời bố trí 2,2 nghìn điểm tập kết, trung chuyển rác thải tại các xã, thôn. Tỷ lệ rác thải được thu gom đạt 94,4%, tương đương 887,6 tấn/ngày.
Ngoài ra, có 66 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, trong đó có 3 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh quy mô cấp huyện (TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên và huyện Yên Thế); đưa vào hoạt động 28 lò đốt công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt lắp đặt theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh (Lạng Giang 10 lò, Lục Ngạn 4 lò, Yên Thế 3 lò, Tân Yên 3 lò, Sơn Động 2 lò, Hiệp Hòa 1 lò, Lục Nam 5 lò), nâng tổng số lò đốt công nghệ toàn tỉnh lên 78.
Bắc Giang nâng cao chất lượng hoạt động xử lý rác thải với việc vận hành các lò đốt rác đảm bảo yêu cầu về môi trường.
Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT Bắc Giang ban hành Hướng dẫn thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phải được thu gom về các bể chứa để vận chuyển đi xử lý. Bể chứa phải đặt tại các vị trí thích hợp, dễ nhận biết ven đường, trục giao thông nội đồng, không bị ngập lụt, không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, khu dân cư, giao thông và mỹ quan nông thôn. Đồng thời làm bằng vật liệu bền chắc, có khả năng chống ăn mòn, không bị rò rỉ, không phản ứng hóa học với chất thải chứa bên trong, có khả năng chống thấm, không thẩm thấu chất thải ra bên ngoài. Đảm bảo không bị gió, nước làm xê dịch. Dung tích bể chứa khoảng 0,5 -1,0 m3, có nắp đậy kín.
Trong trường hợp cần thiết, có thể xây dựng khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV từ các bể chứa để vận chuyển đi xử lý. Người sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm sau khi pha chế, phun rải thuốc BVTV phải thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng để vào bể chứa theo quy định. Không sử dụng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng vào các mục đích khác. Không tự ý đốt hoặc đem chôn bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
Bên cạnh đó, thời gian qua, một số địa phương trên địa bàn Tỉnh đã thực hiện mô hình: “Ngôi nhà xanh di động”, “Tuyến đường NTM kiểu mẫu” ở xã Việt Lập (Tân Yên); luân phiên vệ sinh môi trường trên các trục chính ở xã Tự Lạn (Việt Yên); vẽ tranh bích họa, đặt chậu hoa, cây cảnh hai bên hè đường ở xã Cảnh Thụy (Yên Dũng); cấp phát hàng trăm thùng đựng rác ở xã Mỹ An (Lục Ngạn)… góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân trên địa bàn.
Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023 – 2025 nhấn mạnh mục tiêu, đến năm 2025, có tối thiểu 60% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; 95% số hộ dân nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 95% chất thải rắn sinh hoạt thu gom được xử lý; đưa vào hoạt động ít nhất 01/3 nhà máy xử lý rác thải tập trung của Tỉnh.
Ít nhất 30% số hộ dân nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả… Khoảng 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm…
Các địa phương nhân rộng triển khai nhiều mô hình hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh và cập nhật nội dung cấp nước sạch nông thôn vào quy hoạch nông thôn, bảo đảm cấp nước sinh hoạt nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, chống suy thoái nguồn nước. Đồng thời, rà soát, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đã có. Tập trung nâng cấp công nghệ xử lý nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, triển khai hiệu quả mô hình thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo Đề án Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021 - 2025 được UBND Tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1553/QĐ-UBND ngày 29/12/2021. Bố trí nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị, chế phẩm sinh học để thực hiện phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình.
UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức hướng dẫn, triển khai các nội dung về cung cấp nước sạch nông thôn; xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp; thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật; cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn; an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn quy mô hộ gia đình và cấp thôn.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn và triển khai các nội dung về công tác vệ sinh cá nhân; chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt cho hệ thống cấp nước tập trung. Đối với UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình và các mục tiêu, nhiệm vụ nêu tại Kế hoạch; chỉ đạo UBND cấp xã, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra, bảo đảm tiến độ và hiệu quả; định kỳ và đột xuất báo cáo kết quả tổ chức thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành phụ trách theo quy định.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, các đơn vị chuyên môn, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền doanh nghiệp, người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, vận động Nhân dân không chăn nuôi tập trung trong khu dân cư; khuyến khích người dân tham gia các hoạt động phân loại rác tại nguồn, đổ rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định. Hoàn thiện hệ thống thoát nước công cộng; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng- xanh- sạch- đẹp. Xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường trong khu dân cư; trồng và chăm sóc cây, hoa, thu hút sự tham gia của cộng đồng.
Hồng Thắm
Bình luận