Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ năm, 06/06/2024 21:06
TMO - Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ ban hành, trong đó tập trung vào quy hoạch không gian biển, định hướng nuôi xa biển, thay vì đánh bắt với sản lượng lớn và hủy diệt như hiện nay.
Tại phiên chất vấn mới đây về quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên biển, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển đảo, các giải pháp chống đánh bắt thủy hải sản trái phép.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, hiện nay, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Thủy sản đã được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương phổ biến, tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là vấn đề khai thác tài nguyên biển, nuôi trồng đánh bắt hải sản. Ông Khánh cho rằng, công tác phổ biến pháp luật biển và hải đảo cho người dân rất quan trọng. Do đó, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để tuyên truyền.
(Ảnh minh họa)
Về đánh bắt thủy sản trái phép, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua, Ban Bí thư đã giao cho người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm trong việc đánh bắt thủy, hải sản trái phép, không đúng quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tuyên truyền phổ biến cho nhân dân các nội dung liên quan đến việc đánh bắt đúng phép, đúng quy định. Theo Bộ trưởng Khánh, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng ban hành, trong đó tập trung vào quy hoạch không gian biển, định hướng nuôi xa biển, thay vì đánh bắt với sản lượng lớn và hủy diệt như hiện nay. Theo đó, thời gian tới, sẽ cố gắng giảm tỉ trọng đánh bắt và tăng tỉ trọng nuôi xa biển.
Trả lời bổ sung về các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, 3 trụ cột của phát triển kinh tế thủy sản Việt Nam là giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định về quy hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong đó có phân ra không gian bảo tồn và không gian để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, để vận hành được điều này thì cần các giải pháp cụ thể. Đó là, liên quan tới nguồn lực và định chế về tổ chức bộ máy. Chúng ta muốn bảo tồn thì chúng ta phải có con người, phải có nguồn lực.
Đẩy mạnh các hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Phải phát huy nguồn lực xã hội. Thiết chế cộng đồng quản lý đã có trong Luật Thủy sản chứ không phải là một thiết chế tự phát sinh của địa phương và mong rằng tất cả các địa phương 28 tỉnh ven biển đều có cơ chế cộng đồng để quản lý tốt hơn nguồn lợi thủy sản. Bộ trưởng Hoan khẳng định, nếu không tạo ra sinh kế cho những người xung quanh vùng bảo tồn hoặc trong vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì công tác bảo tồn sẽ không thành công./.
LÝ LAN
Bình luận