Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ năm, 07/03/2024 08:03
TMO - Năm 2024, tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu phấn đấu có khoảng 194 hợp tác xã với hơn 12.000 thành viên, thu nhập của lao động là 72 triệu đồng/người/năm.
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã (HTX) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được những thành tự quan trọng. Tháng 6/2022, Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Nghị quyết 20).
Theo đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 14.10.2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20. Quyết định số 3759/QĐ-UBND ngày 8.12.2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 20-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đã nêu rõ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, giải pháp, trong đó nhấn mạnh, “kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế Nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Hết năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 472 tổ hợp tác và 189 hợp tác xã.
Tính đến 31/12/2023, toàn tỉnh có khoảng 472 tổ hợp tác và 189 hợp tác xã (HTX). Các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp với 12.282 thành viên và 5.029 lao động làm việc thường xuyên trong HTX. Các HTX trên địa bàn tỉnh đã phát triển với nhiều hình thức đa dạng, dần thích ứng với những thay đổi của thị trường. Vai trò của kinh tế tập thể (KTTT) trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo, các chủ trương về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới được phát huy tích cực, góp phần xây dựng đời sống văn hoá nông thôn ngày càng phát triển. Các tổ chức kinh tế tập thể đã từng bước khẳng định được vị trí trong xã hội và là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp đang thực hiện liên kết với các HTX và bà con nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi trên một số loại cây trồng, gồm: hồ tiêu, lúa, ca cao, rau các loại, cây ăn quả... Trong năm 2023, địa phương này đã có nhiều chính sách để hỗ trợ kinh tế HTX phát triển, góp phần quan trọng vào việc thành lập và nâng cao năng lực HTX, cụ thể như: tổ chức 12 lớp bồi dưỡng kiến thức, tuyên truyền, các chính sách pháp luật khác cho hơn 500 lượt người tham gia với tổng kinh phí khoảng 910 triệu đồng; hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể và dự kiến đến hết năm 2025 hỗ trợ khoảng 56 lao động trẻ về làm việc tại khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí khoảng 10,8 tỷ đồng; hỗ trợ và tạo điều kiện cho hơn 165 lượt hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia các Hội chợ, triển lãm, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh… Quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể tỉnh thực hiện giải ngân cho 03 HTX vay vốn với số tiền 1,5 tỷ đồng.
Cùng với đó, đã hỗ trợ các hợp tác xã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện chính sách bảo hiểm cho các thành viên hợp tác xã theo quy định; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã về thực hiện chính sách, pháp luật lao động, kỹ năng quản lý lao động trong doanh nghiệp, quản lý lao động - tiền lương, thông tin thị trường lao động; tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp về các thủ tục cấp phép trong các lĩnh vực lao động, dạy nghề, trợ giúp xã hội...
Triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn trong giai đoạn 2021 – 2023, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đánh giá, xếp hạng sản phẩm tham gia chương trình. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 91 sản phẩm nông nghiệp của 45 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (62 sản phẩm đạt 4 sao và 29 sản phẩm đạt 3 sao) và 37/47 xã có sản phẩm OCOP.
Các sản phẩm của HTX được đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao giá trị sản xuất.
Với những kết quả đã đạt được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu đến cuối năm 2024, trên địa bàn tỉnh có khoảng 194 hợp tác xã với tổng số thành viên 12.290 thành viên; doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã khoảng 2.000 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã khoảng 72 triệu đồng/người/năm và có khoảng 30 hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; thành lập mới 15 hợp tác xã.
Để đạt được mục tiêu trên, địa phương này triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp chính để thực hiện trong phát triển kinh tế tập thể như: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về kinh tế hợp tác; thực hiện và hoàn thiện thể chế, chính sách; thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển hợp tác xã; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.
Trong năm 2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có các chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt là sẽ tổ chức khoảng 17 lớp tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng cho khoảng 1.045 lượt người với tổng kinh phí dự kiến khoảng 841 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí thu hút khoảng 56 lao động trẻ về làm việc tại hợp tác xã giúp nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động cho các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 106 hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công và hỗ trợ thương mại điện tử của ngành Công Thương để đổi mới về phương thức hoạt động, quy mô, phát triển sản xuất kinh doanh nâng cao hiệu quả kinh tế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia các Hội chợ, triển lãm chuyên ngành nông nghiệp tổ chức thường niên nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh từ đó giúp hợp tác xã kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ…
Đồng thời đổi mới hình thức hoạt động của khu vực kinh tế tập thể; phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong các tổ chức kinh tế tập thể; khuyến khích việc tăng vốn góp và vốn huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ không chia của tổ chức kinh tế tập thể; tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của kinh tế tập thể; tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của kinh tế tập thể…
Theo kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định mục tiêu trong 10 năm tới tập trung phát triển HTX đa dạng về lĩnh vực, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trên các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, trên mọi vùng lãnh thổ; các hình thức mở rộng quy mô thành viên; ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp; bảo đảm lợi ích thành viên... Đặc biệt, việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể về phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là cách để tỉnh từng bước trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục tư vấn, xây dựng các mô hình liên kết các HTX xây dựng và nhân rộng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Vận động các HTX tham gia các chương trình hội nghị, hội thảo, xúc tiến thương mại nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong HTX.
Thu Hoài
Bình luận