Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 19/04/2025 18:04
Thứ sáu, 18/04/2025 06:04
TMO - Trước những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh An Giang đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thích ứng bền vững. Từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng linh hoạt, đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn đến nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm mục tiêu đảm bảo sinh kế, cuộc sống cho người dân.
Là địa phương nằm ở đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), An Giang được xem là khu vực đặc biệt nhạy cảm, dễ tổn thương trước tác động của BĐKH (BĐKH), nước biển dâng. Một số biểu hiện của BĐKH trên địa bàn tỉnh, như: Nhiệt độ tăng cao, số lượng và chất lượng nguồn nước suy giảm, thiếu nước mùa khô, mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở, ngập úng đô thị…
Theo Đài Khí tượng thủy văn An Giang, từ tháng 4 - 6/2025, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0,3 - 0,80C. Nắng nóng diện rộng xuất hiện cao điểm trong tháng 4 và 5/2025. Trong khi đó, tháng 3/2025, do đối lưu nhiệt mưa bắt đầu xuất hiện một vài nơi, tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN. Về tình hình thủy văn, từ nay đến tháng 6/2025, tại An Giang mực nước cao nhất khu vực đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng cao hơn cùng kỳ TBNN khoảng 0,1 - 0,4m;
Bên cạnh đó, mực nước thấp nhất thấp hơn cùng kỳ TBNN từ 0,4 - 0,6m. Đặc biệt, độ mặn trong các kênh, rạch vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh An Giang - Kiên Giang tại 2 huyện Thoại Sơn, Tri Tôn tiếp tục lên chậm, độ mặn cao nhất dao động ở mức 0,1 - 0,2%o.
Đáng chú ý, hiện tượng mưa lớn kèm theo dông lốc vào ngày 13/4 đã khiến hàng chục ngôi nhà của người dân trên địa bàn xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) bị sập và tốc mái. Cụ thể, dông lốc đã làm sập hoàn toàn 01 căn nhà, 15 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, 06 căn nhà bị tốc mái một phần, 03 căn nhà bị siêu vẹo và ảnh hưởng khoảng 1.200 tấm pin năng lượng của đơn vị doanh nghiệp. Rất may là không có thiệt hại về người.
Trước tình trạng trên, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang nhận định, các hiện tượng cực đoan của BĐKH như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, dông lốc đang diễn ra ngày càng thường xuyên hơn trên địa bàn tỉnh An Giang và gây ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, trong đó, nghiêm trọng nhất là ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế của tỉnh, nhưng do thời tiết, nguồn nước thay đổi thất thường thời gian qua đã làm cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Năng suất, chất lượng cây trồng giảm, từ đó ảnh hưởng đến sự đóng góp của ngành Nông nghiệp đối với nền kinh tế của tỉnh.
Để ứng phó hiệu quả với BĐKH phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng ổn định, bền vững, tỉnh An Giang sẽ tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất.
Hạn hán, xâm nhập mặn ở An Giang ngày càng diễn biến khó lường.
Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh An Giang đang đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nắm bắt kịp thời tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là thời điểm mùa khô 2024 - 2025 để có các giải pháp ứng phó hiệu quả; tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi khoảng 35.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau, màu và cây ăn trái vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và vừa thích ứng với BĐKH. Cùng với đó, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Kiên Giang vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, đặc biệt là các cống vùng ven biển phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân thuộc huyện Tri Tôn và Thoại Sơn.
Đồng thời, triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng BĐKH phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho người dân huyện Tri Tôn, Tịnh Biên với 3 hồ chứa nước. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 khoảng 367 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh An Giang sẽ lập phương án hạn chế khai thác nước dưới đất; thực hiện phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Đồng thời huy động các nguồn lực thực hiện đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi và phát triển nông nghiệp bền vững; tổng kiểm kê tài nguyên nước; công bố các vùng nước bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; hạn chế khai thác nước dưới đất để bảo vệ tầng chứa nước, phòng tránh nguy cơ sụt lún, sạt lở đất. Để nâng cao năng lực ứng phó BĐKH, hiện nay, tỉnh An Giang cũng đang đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí nguồn vốn để thực hiện Dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (MERIT - WB11) tỉnh An Giang.
Dự án này có nhiều hợp phần, trong đó, tập trung các giải pháp cải thiện hạ tầng thủy lợi trữ lũ tự nhiên trong các đê bao, bờ bao để phục vụ chuyển đổi sản xuất thích ứng với điều kiện của BĐKH.
BĐKH gây ra những tác động lớn với hoạt động sản xuất, canh tác nông nghiệp tại An Giang.
Song song với đó, với mục tiêu chủ động ứng phó các đợt xâm nhập mặn cao điểm ở ĐBSCL, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi mực nước tại các kênh giáp ranh tỉnh Kiên Giang, các nguồn lấy nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt để chủ động vận hành công trình cấp nước hợp lý.
Trước đó, ngay từ năm 2022, UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 3028/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xác định được xu thế BĐKH và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh tương ứng với các kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình thấp (RCP 4.5), và nồng độ khí nhà kính cao (RCP 8.5) theo Kịch bản BĐKH và Nước biển dâng của Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đồng thời xác định các thách thức và cơ hội của BĐKH đối với quá trình phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn tỉnh.
Xác định được các giải pháp ưu tiên nhằm thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, lộ trình triển khai và nguồn lực thực hiện cho từng giai đoạn (2021-2025, 2026-2030), tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung lồng ghép BĐKH trong Chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh An Giang.
Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021-2030 đó là nâng cao năng lực của cơ quan quản lý các cấp, nhận thức của cộng đồng về BĐKH, đến năm 2025 có 100% cán bộ quản lý các cấp, đến năm 2030 có 50% cộng đồng dân cư hiểu biết và có kiến thức cơ bản về ứng phó với BĐKH. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai để có các giải pháp phòng tránh; Có các giải pháp tăng cường khả năng thích ứng BĐKH của các cơ sở hạ tầng như công trình thủy lợi, giao thông, thoát nước, thoát lũ…
Lồng ghép các nhiệm vụ ứng phó BĐKH và giảm thiểu rủi ro do thiên tai vào các kế hoạch phát triển của tất các ngành, lĩnh vực. Triển khai thực hiện Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH trên phạm vi toàn tỉnh. Đánh giá được tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH để đề xuất các giải pháp thích ứng.
Đến năm 2050 nâng cao năng lực của cơ quan quản lý các cấp, nhận thức của cộng đồng về BĐKH, đến năm 2050, có 100% cán bộ quản lý các cấp được tập huấn, nâng cao năng lực trình độ về ứng phó BĐKH, có 70% cộng đồng dân cư được nâng cao nhận thức về BĐKH.
Lồng ghép các nhiệm vụ ứng phó BĐKH và giảm thiểu rủi ro thiên tai vào các kế hoạch phát triển của tất các ngành, lĩnh vực. Nâng cao Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH trực tuyến trong phạm vi toàn tỉnh…/.
Thanh Mai
Bình luận