Hotline: 0941068156
Thứ ba, 05/11/2024 13:11
Thứ tư, 02/10/2024 14:10
TMO - Tỉnh An Giang đang triển khai các giải pháp phát triển ngành hàng dược liệu theo chuỗi giá trị, gắn với bảo tồn các nguồn gen đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế và quảng bá, phát triển du lịch, nhất là vùng Bảy Núi.
An Giang là tỉnh có diện tích đồi núi nhiều nhất so với các tỉnh còn lại khác của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây dược liệu phát triển. Tỉnh An Giang đặc biệt là vùng Bảy Núi, thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, có cây dược liệu tự nhiên khá phong phú và đa dạng.
Vùng đất này có đến 226 loài, 79 họ, 3 ngành thực vật được sử dụng làm thuốc. Cây dược liệu ở đây có môi trường sống đa dạng, phân bố khắp nơi trong vùng Bảy Núi, ở các độ cao khác nhau, từ triền đồng bằng đến đỉnh núi (với độ cao gần 700 m so với mực nước biển). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 28 loài cây thuốc (chiếm khoảng hơn 10%) sống ở vườn của người dân. Cây thuốc được người dân trồng trong vườn hầu hết là những cây thuốc thông dụng hoặc đặc trưng của vùng. Bên cạnh đó, vùng Bảy Núi vẫn còn lưu giữ nhiều loại dược liệu quý, trong đó có 6 loài dược liệu có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) hoặc Nghị định số 32/2006/NĐ-CP bao gồm: Đạt Phước, Giáng Hương, Gõ Mật, Hoàng Đằng, Tắc Kè Đá, Trầm Hương.
Tỉnh An Giang khai thác điều kiện tự nhiên thuận lợi trong phát triển cây dược liệu.
Để góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao; nâng cao ý thức của nhân dân trong vùng về bảo vệ tài nguyên cây thuốc, tỉnh triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng khu bảo tồn dược liệu kết hợp phát triển du lịch tại núi Cấm” trên tổng diện tích 5.000m2 ở xã An Hảo (TX.Tịnh Biên). Đề án vừa phục vụ sản xuất cây thuốc, vừa tạo cảnh quan khu vực, là điểm tham quan về mô hình trồng cây thuốc hiệu quả, với 5 cây thuốc phục vụ cho nghiên cứu nhân giống, gồm: Trà tiên, Bách hợp, Khổ qua rừng, Đương quy Nhật, Sâm cao.
Để chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển sinh kế rừng, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích rừng, góp phần phát triển kinh tế địa phương, kinh tế hợp tác, đẩy mạnh công tác bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành hàng dược liệu tỉnh An Giang theo chuỗi giá trị giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh An Giang khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư xây dựng vùng trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ dược liệu kết hợp với chuỗi hệ sinh thái du lịch, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe từ dược liệu, tích hợp đa giá trị trên sản phẩm, phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, sinh thái, sản xuất sạch và có trách nhiệm.
Cụ thể, giai đoạn 2024 - 2025, tập trung triển khai các hoạt động của mô hình thí điểm và một số hoạt động cơ bản liên quan đến cây dược liệu, như: Tổ chức hội thảo triển khai kế hoạch; xây dựng và triển khai 2 mô hình thí điểm phát triển vùng trồng dược liệu kết hợp với du lịch dược liệu, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh từ dược liệu; tổ chức điều tra nghiên cứu thị trường (nhu cầu) dược liệu tại tỉnh An Giang, các tỉnh lân cận và mở rộng các vùng trong cả nước.
Trong đó, Mô hình thí điểm thứ nhất với cây dược liệu là cây Xáo tam phân (trong ngắn hạn khai thác lá, thân; trong dài hạn khai thác rễ); Nấm linh chi đỏ và một số loại dược liệu ngắn hạn khác. Vùng nguyên liệu dược liệu được trồng trong khuôn viên ước tổng diện tích trồng khoảng 5.000 m2. Bố trí chung quanh vườn dược liệu là các khu nghỉ dưỡng, khu trưng bày các sản phẩm dược liệu, khu chăm sóc sức khoẻ, khu ẩm thực dược liệu, hình thức bố trí các khu bằng chòi lắp ráp với chất liệu nhẹ (không xây dựng).
Kết nối thu hút các tour du lịch đến tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng, trải nghiệm những câu truyện về cây dược liệu gắn với các du lịch tâm linh vùng bảy núi, và thưởng thức các dịch vụ trong mô hình. Thời gian triển khai thí điểm: 2024-2025. Đánh giá sơ bộ và nhân rộng: đánh giá năm 2025 -2026; Nhân rộng từ năm 2026.
Mô hình thí điểm thứ hai: Cây dược liệu áp dụng gồm: Cây Xáo tam phân (vừa khai thác vừa bảo tồn); Nấm linh chi đỏ, một số loại dược liệu ngắn ngày khác bao gồm các loài dược liệu bản địa phục vụ cho bảo tồn. Vùng nguyên liệu dược liệu được trồng trong vùng Dự án thí điểm ước tổng diện tích trồng khoảng 5.500 m2, được liệu được trồng nhằm vừa khai thác, vừa bảo tồn, là nơi bảo tồn các loài dược liệu có giá trị kinh tế, kết hợp khách tham quan, thực tập sinh nghiên cứu đến từ các viện, trường, kết nối các tour du lịch. Thời gian triển khai thí điểm: 2024-2025. Đánh giá sơ bộ và nhân rộng: đánh giá năm 2025 -2026; Nhân rộng từ năm 2026.
Tỉnh An Giang ; xây dựng và triển khai 2 mô hình thí điểm phát triển vùng trồng dược liệu kết hợp với du lịch dược liệu, chăm sóc sức khỏe.
Giai đoạn 2026 - 2030, nhân rộng mô hình thí điểm phát triển vùng trồng dược liệu kết hợp với du lịch dược liệu, chăm sóc sức khỏe từ dược liệu. Duy trì và phát triển vùng dược liệu trồng với quy mô phấn đấu 1.000ha tại huyện Tri Tôn, TX. Tịnh Biên đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế, phù hợp điều kiện tự nhiên của tỉnh, như: Ba kích, Chúc, Dó bầu, Đinh lăng, Huyền tinh, Hồng quân, Kim ngân Hoa, Ngải đen, Nấm linh chi đỏ, Nho rừng, Ngãi bún, các loại sâm, Xạ đen, Xáo tam phân và các loại dược liệu do doanh nghiệp đề xuất liên kết.
Đồng thời, phát triển ít nhất 1 - 2 thương hiệu sản phẩm dược liệu OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) có nguồn gốc từ vùng Bảy Núi. Xây dựng các câu chuyện lịch sử vùng đất và con người An Giang gắn với dược liệu Bảy núi và du lịch sinh thái - tâm linh vùng Thất Sơn…
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, tỉnh An Giang hướng đến mục tiêu, bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu có khả năng sản xuất tiêu thụ được và gây trồng tỉnh, góp phần tăng thu nhập cho người dân trồng - bảo vệ - phát triển rừng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương vùng miền, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
UBND tỉnh yêu cầu việc phát triển chuỗi ngành hàng cây dược liệu phải phù hợp định hướng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương. Trong đó, phải đảm bảo sự hài hòa vừa bảo tồn, vừa khai thác và phát triển các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế, có thế mạnh, tạo được các vùng bảo tồn, vùng nguyên liệu cây dược liệu để phát triển ổn định, lâu dài.
Đồng thời, có sự liên kết chặt chẽ, ổn định theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hoạch gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo phát triển ngành hàng cây dược liệu một cách bền vững, hiệu quả theo chuỗi giá trị có sự tham gia của người dân với doanh nghiệp theo nguyên tắc hài hòa lợi ích và sự đồng thuận giữa các bên trong chuỗi giá trị..../.
Thu Giang
Bình luận