Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 17/05/2025 13:05
Thứ bảy, 17/05/2025 06:05
TMO – Trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, Bộ trưởng Tài chính cho biết 5 quan điểm cốt lõi về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, khác với quy định của luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể.
Mới đây, trước Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về cơ chế chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Mục tiêu then chốt của Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng nêu tại Nghị quyết 68-NQ/TW nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân".
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Nghị quyết được xây dựng dựa trên 5 quan điểm cốt lõi. Thứ nhất là thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đảm bảo các chủ trương, quan điểm, cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 68-NQ/TW được chuyển hóa thành các quy định pháp luật có tính chất vượt trội, tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế tư nhân, có thể triển khai, áp dụng, phát huy hiệu quả ngay trong thực tiễn.
Thứ hai là quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, khác với quy định của luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể. Thứ ba là bám sát chỉ đạo, tuân thủ tinh thần Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và thẩm quyền lập quy theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
(Ảnh minh họa)
Thứ tư là quy định cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để huy động đa dạng hóa các nguồn lực và giải phóng nguồn lực xã hội, tập trung vào phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Thứ năm là tính khả thi, đảm bảo chính sách pháp luật ban hành có tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật; tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tính khả thi và phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Trong quá trình xây dựng Nghị quyết, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Nghị quyết được thực hiện khẩn trương, bài bản với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo Nghị quyết cấu trúc gồm 7 Chương, tập trung thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, có tác động lớn đến niềm tin và hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân.
Các nội dung được phân loại theo 5 nhóm chính sách lớn: Tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, giảm thiểu rủi ro và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh: Tháo gỡ những khó khăn về tiếp cận đất đai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô và nâng cao năng lực sản xuất; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công, thông qua tăng cường khả năng tiếp cận vốn, giảm chi phí vay vốn và mở rộng cơ hội tham gia vào các gói thầu mua sắm công cho doanh nghiệp tư nhân;
Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực, thông qua các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào R&D, ứng dụng công nghệ mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong bằng việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh, trở thành những tập đoàn kinh tế tầm cỡ khu vực và toàn cầu…/.
QUỲNH VÂN
Bình luận