Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 24/01/2025 02:01
Thứ tư, 22/05/2024 19:05
TMO - Một số địa phương vẫn còn có những hủ tục, phong tục không phù hợp như các vấn đề về ma chay, cưới xin rườm rà, các tệ nạn mê tín dị đoan, thói quen sống và làm việc mang tính tự nhiên không tính toán... là lực cản vô cùng to lớn cho sự tiến bộ xã hội. Vì vậy, các giải pháp giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn cần xem xét kỹ đến các yếu tố về phong tục tập quán của mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi dân tộc, từ đó mỗi giải pháp mới có tính khả thi và hiệu quả.
Theo Báo cáo điều tra lao động và việc làm năm 2021 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn khoảng 36,7 triệu người, chiếm gần 67% lực lượng lao động cả nước. Điều này tiếp tục tạo sức ép về nhu cầu đào tạo và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.
Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của người di cư năm 2021 khoảng 9,8%, cao hơn khoảng 4,4 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của lao động từ 15 tuổi trở lên, phần lớn tập trung ở lao động không qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật. Đặc biệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ sơ cấp trở lên tại khu vực nông thôn chỉ đạt 16%, thấp hơn nhiều so với khu vực thành thị. Đây là một thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Trong khi đó, quy mô đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp ở các cơ sở đào tạo ngày càng giảm mạnh. Lao động đã qua đào tạo, nhất là lao động chất lượng cao không muốn về nông thôn.
(Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, sản xuất nông nghiệp là những cây trồng, vật nuôi luôn gắn liền với môi trường sống. Do vậy, các điều kiện về khí hậu và thuỷ văn có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Các vùng có khí hậu thuận lợi, điều kiện tưới tiêu hợp lý sẽ có năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp cao mang lại thu nhập cao cho nông dân. Ngược lại, những vùng có nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết khí hậu, khan hiếm nguồn nước sẽ khó khăn trong phát triển sản xuất và từ đó ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của dân cư.
Những vùng có điều kiện khó khăn điển hình là khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Trung du miền núi phía Bắc với sự biến đổi thất thường của thời tiết như: hạn hán, bão, lũ lụt, sương muối... gây ra những thiệt hại to lớn cho sản xuất và đời sống. Để hạn chế thiệt hại của những hiện tượng này cần có hệ thống thông tin dự báo hiện đại để có phương án phòng chống có hiệu quả. Đặc biệt, ở những vùng trung du và miền núi có địa hình hiểm trở bị chia cắt rất khó khăn trong việc phát triển giao thông và thuỷ lợi. Việc áp dụng máy móc kỹ thuật cũng rất hạn chế do đất đai bị chia cắt manh mún. Vì vậy, dẫn đến năng suất lao động thấp, khả năng giao lưu kinh tế và tiếp cận thị trường, cũng như các thông tin về văn hoá, khoa học kỹ thuật bị hạn chế và do vậy cũng hạn chế trong quá trình sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến thu nhập.
Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đây là yếu tố có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước hết đó là hệ thống giao thông, thuỷ lợi, hệ thống thông tin và năng lượng. Hệ thống giao thông thuận lợi sẽ giảm chi phí vận tải, thuận lợi cho giao lưu kinh tế và văn hoá với các vùng khác, từ đó hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá và phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp. Hệ thống điện, thông tin giúp cho người dân có khả năng trang bị máy móc kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, thuận lợi trong việc tiếp thu những thành tựu mới về khoa học kỹ thuật, trình độ dân trí được nâng cao. Hệ thống trường học, bệnh viện có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân và đào tạo nhân lực. Vì vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tác động tổng hợp tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội và mức sống của dân cư.
Yếu tố về khoa học kỹ thuật, trình độ của người nông dân, theo các chuyên gia, trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá hiện nay, con người được coi là nguồn lực của mọi nguồn lực cho phát triển. Do đó, trình độ khoa học kỹ thuật của người lao động có ảnh hưởng quyết định đến phát triển kinh tế. Điều đó đòi hỏi phải không ngừng đào tạo, tập huấn cho nông dân, phát triển mạnh giáo dục ở các vùng nông thôn để hình thành một lực lượng lao động có chất lượng ngày càng cao.
Yếu tố về phong tục tập quán, truyền thống văn hoá của địa phương, mỗi địa phương có những phong tục tập quán riêng, có truyền thống văn hoá riêng. Ở một số địa phương người dân xây dựng thành các nhóm, hội kinh doanh rất hiệu quả, khuyến khích người dân làm kinh tế và báo cáo kết quả trong các ngày hội họp đã có tác động thúc đẩy kinh tế phát triển và thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn có những hủ tục, phong tục không phù hợp như các vấn đề về ma chay, cưới xin rườm rà, các tệ nạn mê tín dị đoan, thói quen sống và làm việc mang tính tự nhiên không tính toán... là lực cản vô cùng to lớn cho sự tiến bộ xã hội. Vì vậy, các giải pháp giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn cần xem xét kỹ đến các yếu tố về phong tục tập quán của mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi dân tộc, từ đó mỗi giải pháp mới có tính khả thi và hiệu quả.
Yếu tố về nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, các chuyên gia cho rằng, để phát triển kinh tế phải có nguồn vốn đầu tư mua sắm tư liệu sản xuất, thúc đẩy quá trình sản xuất kinh doanh được tiến hành thuận lợi. Với trình độ phát triển kinh tế ở nông thôn hiện nay, hầu hết các hộ nông dân đều thiếu vốn sản xuất. Với các hộ gia đình trẻ mới tách hộ thì tình trạng thiếu vốn càng trầm trọng. Do vậy, để tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn thì cần phải giúp đỡ người nông dân có khả năng huy động mọi nguồn vốn vào sản xuất, đồng thời mở lớp tập huấn cho người nông dân nâng cao khả năng quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần cung cấp vốn cho nông dân qua nhiều hình thức để mở rộng sản xuất kinh doanh và tăng thu nhập…/.
Bài tiếp: Chuyển dịch cơ cầu kinh tế, tăng thu nhập cho lao động nông thôn
LÝ LAN
Bình luận