Hotline: 0941068156
Thứ tư, 14/05/2025 10:05
Thứ tư, 14/05/2025 08:05
TMO – Sản lượng vải thiều năm 2025 được dự báo đạt khoảng 303.000 tấn, tăng 30% so với năm 2024. Bắc Giang tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 165.000 tấn, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng cả nước. Tiếp theo là Hải Dương (60.000 tấn), Hưng Yên (22.000 tấn), Lạng Sơn (22.000 tấn) và Đắk Lắk (21.000 tấn). Tuy nhiên, việc làm thế nào để nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm vải thiều cũng đang được nhiều địa phương quan tâm. Nhất là đối với tỉnh Bắc Giang, một trong những nơi có vựa vải thiều lớn nhất cả nước.
Mùa vải thiều năm 2025, Bắc Giang dự kiến sản lượng đạt 165.000 tấn, tăng khoảng 8% so với năm trước. Chất lượng sản phẩm tiếp tục được cải thiện, nhiều vùng trồng đã đạt chuẩn xuất khẩu và được cấp chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, địa phương này hiện đang gặp một số khó khăn. Đơn cử như về chất lượng đất đai để có khuyến cáo phù hợp theo từng vùng trồng, tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, chính sách khuyến khích đầu tư chế biến sâu nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường tươi sống và nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, biến đổi khí hậu và sự bất ổn của thị trường xuất khẩu cũng được xem là những thách thức lớn.
Nông dân thu hoạch vải thiều.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, theo các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản, người tiêu dùng chưa phân biệt rõ giữa sản phẩm sạch và hữu cơ, dẫn đến sức mua thấp. Trong khi đó, sản xuất hữu cơ cho năng suất thấp, phụ phẩm chưa được tận dụng hiệu quả và đầu ra bấp bênh. Một số doanh nghiệp đề xuất các giải pháp như xây dựng thị trường nội địa minh bạch, kết nối tiêu thụ phụ phẩm để nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời đề nghị chính quyền hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, hệ thống phân phối và thiết lập giá sàn.
Theo các doanh nghiệp, việc chế biến sâu nông sản không chỉ giúp tăng giá trị mà còn đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, vấn đề xử lý chất thải và tận dụng phụ phẩm trong quá trình chế biến vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Giá xăng và các chính sách quản lý nhà nước, đặc biệt là quy định về giá sàn xuất khẩu, đang tác động trực tiếp đến hoạt động doanh nghiệp. Doanh nghiệp kiến nghị cần có cơ chế linh hoạt hơn để doanh nghiệp có thể chủ động thích ứng với biến động thị trường.
Trong chuyến công tác tại Bắc Giang mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá cao những thành tựu nổi bật mà Bắc Giang đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự bứt phá mạnh mẽ trong nông nghiệp, với tốc độ tăng trưởng GDP cao, cơ sở hạ tầng đồng bộ và môi trường đầu tư thuận lợi. Với kế hoạch chuẩn bị chu đáo cho vụ vải thiều năm nay, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng Bắc Giang đã thể hiện rõ quyết tâm nâng cao giá trị và thương hiệu nông sản chủ lực của địa phương.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: Khương Trung
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường đề cập một số định hướng mang tính trọng tâm. Theo đó, cần quản lý sản xuất chặt chẽ, gắn với giám sát chất lượng. Các địa phương phải theo sát diễn biến thời tiết, sâu bệnh để chỉ đạo kịp thời. Vùng trồng, cơ sở chế biến cần kiểm soát nghiêm ngặt theo mã số, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, không được lơi lỏng việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật – yếu tố tiên quyết để vải thiều bước ra thị trường quốc tế.
Cùng với đó, tổ chức tiêu thụ cần linh hoạt, sát thực tế. Các kịch bản tiêu thụ phải được cập nhật thường xuyên, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua tại vườn. Song song, mở rộng hệ thống phân phối từ siêu thị, chợ đầu mối đến thương mại điện tử để không bỏ lỡ cơ hội tiêu thụ nào. Đánh giá Logistics và bảo quản sau thu hoạch được xem là “hạ tầng mềm” quyết định sức cạnh tranh của trái vải. Cần phối hợp doanh nghiệp đầu tư kho lạnh, trung tâm sơ chế tại chỗ, giảm tổn thất và kéo dài thời gian bảo quản.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, về lâu dài, chế biến sâu và mở rộng xuất khẩu là hướng đi tất yếu. Do đó, đầu tư vào chiếu xạ, sơ chế và công nghệ bảo quản hiện đại sẽ giúp vải thiều không chỉ xuất hiện trong vài tuần ngắn ngủi, mà trở thành sản phẩm thương mại quanh năm, vào được những thị trường cao cấp. Cùng với sản xuất và tiêu thụ, công tác truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng. Bắc Giang phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông, bà con nhân dân thông tin vải thiều Bắc Giang cần được định vị là sản phẩm “xanh – sạch – chất lượng cao”, được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin chọn vì giá trị chứ không chỉ vì thời vụ. Về lâu dài, cần tái cơ cấu vùng nguyên liệu, điều chỉnh mùa vụ hợp lý và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xanh. Đồng thời, ký kết hợp tác chiến lược để phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp…/.
THIÊN LÝ
Bình luận