Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 22/02/2025 14:02
Thứ sáu, 21/02/2025 10:02
TMO - Thời điểm này, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Yên Bái tập trung tái đàn vật nuôi sau Tết. Việc tái đàn nhằm bảo đảm duy trì ổn định hoạt động chăn nuôi và nguồn cung thực phẩm cho thị trường.
Hiện tại, toàn tỉnh Yên Bái có tổng đàn gia súc chính 827.228 con; tổng đàn gia cầm trên 7 triệu con. Những năm qua, Yên Bái đã phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Các giống gia súc, gia cầm được các hộ nông dân, hợp tác xã nuôi với quy mô lớn, mô hình chăn nuôi hữu cơ và an toàn sinh học cũng được chú trọng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, trong tháng Tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, số lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng và giết mổ rất lớn. Cụ thể, khoảng 70.000 con gia súc và gần 1 triệu con gia cầm đã được tiêu thụ, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể của tổng đàn. Điều này đòi hỏi ngành chăn nuôi phải đẩy nhanh quá trình tái đàn để ổn định sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay đang rét đậm, rét hại, người chăn nuôi cần cẩn trọng trong việc tái đàn để phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe vật nuôi. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, trong khi thị trường tiêu thụ có thể biến động, đòi hỏi các hộ chăn nuôi phải tính toán kỹ lưỡng. Vì vậy, công tác tái đàn không thể thực hiện một cách ồ ạt mà cần có sự tính toán phù hợp với điều kiện thực tế đồng thời áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, lựa chọn con giống chất lượng và bảo đảm điều kiện chăn nuôi an toàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích người chăn nuôi tái đàn có kiểm soát.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích người chăn nuôi tái đàn có kiểm soát, không tái đàn ồ ạt để tránh nguy cơ dịch bệnh. Việc lựa chọn con giống phải chặt chẽ, chỉ nhập từ các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và đã được tiêm phòng đầy đủ. Các biện pháp an toàn sinh học cũng được triển khai nghiêm ngặt, từ khâu vệ sinh chuồng trại, kiểm dịch đến quy trình chăm sóc.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tuần hoàn và an toàn sinh học để tối ưu chi phí và giảm thiểu rủi ro. Đối với chăn nuôi trâu, bò, người dân cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động phòng chống đói, rét bằng cách bổ sung thức ăn tinh, che chắn chuồng trại và tuyệt đối không thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống thấp. Khi nhập con giống mới, phải chọn những con khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin quan trọng như tụ huyết trùng, lở mồm long móng.
Với chăn nuôi lợn, các hộ đã xuất chuồng toàn bộ cần tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, để trống chuồng ít nhất 1 - 2 tuần trước khi nhập lợn giống mới. Hộ nuôi kế tiếp cần duy trì vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đầy đủ và lựa chọn con giống khỏe mạnh từ các cơ sở uy tín. Đối với gia cầm, người chăn nuôi cần chọn giống gà phù hợp với điều kiện địa phương, bảo đảm tiêm phòng các loại vắc xin quan trọng như Newcastle, cúm gia cầm; định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và không nuôi lẫn gia cầm với các loại vật nuôi khác để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.
Các hộ chăn nuôi tái đàn cũng đồng thời chú trọng sản xuất an toàn dịch bệnh.
Dịp Tết Nguyên đán, trang trại của bà Nguyễn Thị Thoa ở xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình đã xuất bán ra thị trường gần 100 con lợn thịt. Sau khi xuất bán, gia đình bà đã vệ sinh hệ thống chuồng trại, phun thuốc sát trùng, quét vôi bột khử khuẩn. Bà Thoa chia sẻ: "Việc tái đàn thường tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm. Đây là thời điểm giao mùa; vì vậy, để tái đàn an toàn cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh.
Với quy mô chăn nuôi thường xuyên 2.000 con gà, hiện gia đình ông Nguyễn Văn Trại ở xã Y Can, huyện Trấn Yên đã tái đàn với quy mô gần 1.000 con. Theo ông Trại để chăn nuôi an toàn, hiệu quả, sau khi xuất bán lứa gà dịp Tết, ông để trống chuồng 1 tuần và thực hiện vệ sinh chuồng trại.
Năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 5,85%; giá trị sản xuất chăn nuôi (theo giá so sánh 2010) đạt 2.740 tỷ đồng, tăng 180 tỷ đồng so với năm 2024; tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 30% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; tổng đàn gia súc chính đạt 950.000 con; đàn gia cầm 8.000.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 83.000 tấn…
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi quan trọng không chỉ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, chú trọng cung cấp giống gia súc, gia cầm chất lượng cao, có khả năng sinh trưởng, kháng bệnh tốt.
Đức Lê
Bình luận