Hotline: 0941068156
Thứ năm, 29/05/2025 05:05
Thứ ba, 27/05/2025 06:05
TMO - Yên Bái đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường, xử lý ô nhiễm tại các khu dân cư, khu công nghiệp và làng nghề. Công tác bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân trên toàn tỉnh.
Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và gia tăng dân số đã khiến áp lực ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xử lý triệt để các nguồn ô nhiễm, đồng thời nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân. Với tinh thần đó, thời gian qua, Yên Bái đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải và cải thiện môi trường.
Chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ở mức tốt. Hệ thống quan trắc thường xuyên trên ba thành phần chính, không khí, nước mặt và đất cho thấy hầu hết các chỉ số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy vậy, vẫn còn những điểm nóng về môi trường tại một số vị trí cụ thể. Nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát ô nhiễm, tỉnh Yên Bái đã chú trọng đầu tư hệ thống quan trắc tự động, giám sát liên tục tại các cơ sở sản xuất có nguy cơ phát thải cao.
Đến nay, đã có 5 cơ sở lắp đặt và truyền dữ liệu trực tuyến về Sở Nông nghiệp và Môi trường, giúp nâng cao tính minh bạch và khả năng giám sát kịp thời. Bên cạnh đó, việc xử lý nước thải đặc biệt tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng được chú trọng. Một số nhà máy đã đầu tư hệ thống xử lý nước và khí thải đạt chuẩn.
Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, xử lý nước thải.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy phần lớn đô thị và khu vực nông thôn vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý mới đạt 4,32%. Đây là bài toán lớn cần giải pháp đầu tư đồng bộ hơn trong thời gian tới.
Một điểm sáng đó là sự xuất hiện của mô hình xử lý chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn. Nhà máy xử lý rác Nam Thành Yên Bái đã vận hành hệ thống tái chế rác thành phân vi sinh và hạt nhựa, kết hợp chôn lấp hợp vệ sinh. Các loại chất thải rắn công nghiệp cũng đang được nhiều doanh nghiệp tận dụng làm nguyên liệu đốt hoặc tái chế thành sản phẩm khác, góp phần giảm áp lực lên môi trường và nguồn tài nguyên.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Yên Bái cho biết, không dừng lại ở việc kiểm soát hiện tại, Yên Bái cũng dành nhiều nỗ lực cho việc cải tạo và phục hồi môi trường bị ô nhiễm. Trong năm 2024, tỉnh đã yêu cầu ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với 100 điểm mỏ, trong đó có 55 điểm mỏ đã hoàn thành.
Tổng số tiền ký quỹ thu được gần 8 tỷ đồng, đây là một bước đi cần thiết nhằm bảo đảm trách nhiệm môi trường của các doanh nghiệp khai thác tài nguyên. Đây là nguồn lực quan trọng để tỉnh xử lý hậu quả sau khai thác, đồng thời khẳng định nguyên tắc "ai gây ô nhiễm, người đó phải trả tiền”.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 40% số điểm mỏ chưa hoàn thành nghĩa vụ ký quỹ, cho thấy cần có biện pháp quyết liệt hơn để nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp, tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường kéo dài, ảnh hưởng sinh kế người dân và sinh thái địa phương.
Cùng với đó, chất thải rắn sinh hoạt tiếp tục là vấn đề đáng quan tâm khi trung bình mỗi ngày, Yên Bái phát sinh khoảng 487 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong khi tỷ lệ thu gom ở đô thị đã đạt gần 94%, thì khu vực nông thôn chỉ đạt khoảng 60%. Các bãi chôn lấp rác chủ yếu chưa hợp vệ sinh, thiếu hệ thống chống thấm, xử lý nước rỉ rác, gây tiềm ẩn ô nhiễm thứ cấp. Trong thời gian tới, để công tác bảo vệ môi trường (BVMT) thực sự chuyển từ "bị động” sang "chủ động”, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho các công trình xử lý chất thải tập trung; siết chặt kiểm tra, giám sát môi trường tại các cơ sở sản xuất;
Ứng dụng công nghệ trong dự báo và giám sát môi trường; đồng thời tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân. BVMT không thể chỉ là trách nhiệm của riêng ngành chức năng hay một vài doanh nghiệp, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và từng người dân. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác BVMT tại Yên Bái vẫn còn nhiều tồn tại.
Đầu tư cho hạ tầng xử lý còn hạn chế, nguồn lực tài chính phân tán, nhân lực mỏng, đặc biệt tại cấp xã. Tình trạng đốt rác lộ thiên, xả thải không đúng nơi quy định, nhận thức chưa đồng đều... vẫn diễn ra ở một số địa phương. Đặc biệt, việc xử lý rác thải nông thôn phần lớn vẫn theo hình thức tự phát, đốt lộ thiên hoặc chôn lấp đơn giản, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường.
Yên Bái đặt mục tiêu đến hết 2025, tỷ lệ thu gom chất thải rắn nông thôn tăng lên 66%.
Tuy vậy, tỉnh đã đưa ra các mục tiêu cụ thể cho năm 2025 như: tăng tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở nông thôn lên 66%, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng mới và tiếp tục cải thiện chỉ số BVMT cấp tỉnh.
Trước đó, ngay từ tháng 8/2024, UBND tỉnh Yên Bái có công văn số 3027/UBND-TNMT về việc triển khai Quy hoạch BVMT quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Theo công văn, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư của địa phương nêu tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai thực hiện lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo phương án phân vùng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1086/QĐ-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2023 vào chương trình, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng địa phương.
Tại Công văn nhấn mạnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương: Rà soát phương án phân vùng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn; phương án về vị trí, quy mô, loại hình chất thải, công nghệ dự kiến, phạm vi tiếp nhận chất thải của các khu xử lý chất thải cấp tỉnh; mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường của tỉnh trong Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định.
Rà soát về vị trí, quy mô, loại hình chất thải, công nghệ dự kiến, phạm vi tiếp nhận chất thải của các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng (nếu có trên địa bàn tỉnh);
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện các nội dung về phân vùng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quản lý chất thải; mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp tỉnh theo quy hoạch được duyệt và điều chỉnh, bổ sung (nếu có); bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải tập trung trên địa bàn tỉnh; thực hiện việc giao đất để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải tập trung trên địa bàn;
Phối hợp với các đơn vị có liên quan định kỳ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo yêu cầu…/
Trung Thành
Bình luận