Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 01:11
Thứ tư, 07/09/2022 04:09
TMO - Thời gian qua, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của các nước giảm so với những tháng trước do tình hình lạm phát tăng cao, tuy nhiên dù chưa hết quý III/2022 kim ngạch thủy sản của tỉnh Cà Mau đã đạt gần 800 triệu USD. Điều này cho thấy Cà Mau có nhiều triển vọng 3 năm liên tiếp xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD.
Tính đến thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt 799,2 triệu USD, bằng 74,7% kế hoạch, tăng 25,7% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tiếp tục tăng khi đến nay có 4.156,8 ha/4.365 hộ đang thả nuôi; cùng với đó, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trên 171.469 ha và đang thả nuôi đạt 100%, đây sẽ là nguồn cung ứng nguyên liệu dồi dào cho nhu cầu xuất khẩu thường tăng cao vào dịp cuối năm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, theo thông tin từ các nhà máy chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh, hiện nay các đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết với các đối tác nước ngoài đến tháng 12/2022 và đang tiếp tục đàm phán, thỏa thuận ký kết cho các giai đoạn tiếp theo, nên giá tôm trong thời gian tới ổn định, ít biến động.
Cà Mau mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tại nhiều địa phương. Ảnh: BCM
Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau và trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong nhiều năm. Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 ước đạt 613.700 tấn, đạt 99% so kế hoạch, tăng 3,6% so cùng kỳ. Trong đó, có 218.400 tấn tôm, đạt 97,1% so kế hoạch, tăng 4% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 1.028 triệu USD. Trong 2 năm liên tiếp từ 2020 đến nay, Cà Mau là địa phương nổi bật trong xuất khẩu chung ngành thủy sản với kim ngạch luôn duy trì trên 1 tỷ USD.
Trong đó, năm 2021, thị trường Mỹ đạt gần 182 triệu USD (năm 2020 hơn 129 triệu USD); EU gần 135 triệu USD (năm 2020 là gần 92 triệu USD); Canada là 64 triệu USD (năm 2020 là hơn 62 triệu USD); Australia là hơn 53 triệu USD (năm 2020 gần 39 triệu USD) và Trung Quốc 51 triệu USD (năm 2020 là gần 39 triệu USD).
Năm 2022 được kỳ vọng tiếp tục là năm thứ 3 liên tiếp mà tỉnh Cà Mau có thể đạt mục tiêu xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Năm 2022 được kỳ vọng tiếp tục là năm thứ 3 liên tiếp mà tỉnh có thể đạt mục tiêu xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh đã khai thác và tận dụng tốt các lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau vào các thị trường Mỹ, EU, Canada, Australia, Trung Quốc.
Hiệp định đối tác tự do kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, đây được xem là Hiệp định thương mại tự do được các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản tỉnh Cà Mau khai thác khá tốt nên kim ngạch xuất khẩu vào một số thị trường như: Mỹ, EU, Australia, Canada, Hàn Quốc, Nhật ...đều tăng mạnh. Đến nay, thủy sản của tỉnh Cà Mau đã xuất khẩu qua 64 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh những thuận lợi, Cà Mau cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu thủy sản như thiếu tàu, thiếu container rỗng, cước phí tàu, chi phí bốc xếp trong và ngoài nước, giá nguyên liệu đầu vào đều tăng, các thị trường xuất khẩu của tỉnh tăng cường kiểm soát các yếu tố an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật.
Do đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh hậu Covid-19, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục tích cực triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là thực hiện các chính sách về tín dụng.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ cho các vùng nuôi thủy sản tập trung. Tổ chức lại nuôi trồng thủy sản theo hướng liên kết sản xuất để tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng, an toàn thực phẩm, quy mô hàng hóa lớn cho hoạt động chế biến.
Thời gian tới, UBND Cà Mau sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm khách hàng, mở rộng,à phát triển thị trường, tận dụng thật tốt cơ hội của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết như EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP để thúc đẩy phát triển chế biến, xuất khẩu.
Lê Hiếu
Bình luận