Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 02:01
Thứ sáu, 30/12/2022 14:12
TMO - Xuất khẩu thủy sản năm 2022 chạm mốc 11 tỷ USD đây là mức kỷ lục trong lịch sử, chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 12/2022, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 785 triệu USD, tiếp tục mức giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng liên tục trong 10 tháng nên cả năm 2022 nên xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mốc 11 tỷ USD, tăng gần 24% so với năm 2021. Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần của thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 4,1- 4,2 tỷ USD (tăng khoảng 13% so với năm 2021); cá tra đạt 2,35 tỷ USD (tăng khoảng 70% so với năm 2021). Các sản phẩm cá khác như cá cơm, cá nục, cá thu và nhiều loài cá biển khác đã đóng góp doanh số lớn 2 tỷ USD trong năm 2022, cao hơn 22% so với năm 2021.
Số liệu thống kê từ VASEP cho thấy, xuất khẩu thủy sản còn ghi nhận kỷ lục tại hầu hết các thị trường. Theo đó, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ sẽ về đích với hơn 2,1 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc và Hongkong cũng lần đầu tiên chạm mốc 1,8 tỷ USD về giá trị thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, với mức tăng trưởng 57%. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam.
Xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 ghi nhận tăng trưởng mạnh, cán đích với 11 tỷ USD. Ảnh: V.Trí
Tại khối thị trường của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng 31% trong năm 2022. Ước tính xuất khẩu thủy sản sang khối thị trường này đạt gần 2,9 tỷ USD trong năm nay, chiếm hơn 26% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Lợi thế về thuế quan tại các nước trong khối này đã được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả, khi mà lạm phát làm giảm sức tiêu thụ và tăng áp lực cạnh tranh trên nhiều thị trường. Bên cạnh đó, các nước trong khối ASEAN mức tăng trưởng 27% dự kiến mang về doanh số 767 triệu USD, chiếm 7% xuất khẩu của cả nước.
Trong năm 2023, ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là vấn đề tháo gỡ thẻ vàng IUU. Mặt khác, theo đánh giá gần nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng toàn cầu sẽ chững lại trong năm 2023, do đó, sẽ ảnh hưởng đến tất cả các thị trường nhập khẩu. Cùng với đó là thách thức về việc chuẩn hóa quá trình sản xuất trong nước, nhất là về phần dữ liệu để phục vụ cho sản xuất của ngành hàng.
Năm 2023, ngành thủy sản đạt mục tiêu tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1,3 triệu ha; tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,74 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 10 tỷ USD. Bộ NN&PTNT cho biết, để giữ được đà tăng trưởng, chiến lược ngành thủy sản năm 2023 sẽ chuyển dần từ khai thác, đánh bắt sang nuôi trồng, chế biến sâu để duy trì đà tăng trưởng bền vững; góp phần nâng cao đời sống nông, ngư dân, cũng như góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trên cơ sở phân tích các kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức mà ngành sẽ phải đối mặt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp sát với tình hình thực tiễn để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu của 2023. Đồng thời yêu cầu, ngành thủy sản cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và các thành phần liên quan để cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Bên cạnh đó, ngành cần coi "thẻ vàng" IUU là một cơ hội để thay đổi tư duy, và phát triển bền vững hơn.
Minh Hòa
Bình luận