Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 20:11
Thứ hai, 12/12/2022 13:12
TMO - Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thuỷ sản đã đạt hơn 10 tỷ USD. Dự kiến kết thúc năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD.
Năm 2022 ngành xuất khẩu thủy sản đối mặt với nhiều biến động và khó khăn. Hệ lụy của đại dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu thủy sản, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ… Trong bối cảnh đó, nhờ kinh tế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam ổn định và thuận lợi, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã biến những thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) năm nay, ngành thủy sản đặt ra chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. Nhưng tính đến hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản cả nước đã đạt 10,17 tỷ USD. Dự kiến kết thúc năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Đây là mức kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam trong hơn 20 năm xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Mặt hàng tôm cũng lần đầu tiên xuất khẩu vượt mốc 4 tỷ USD
Trong đó, mặt hàng tôm cũng lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD, đây vẫn là mặt hàng số một trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi chiếm tỷ trọng 39% trong tổng giá trị xuất khẩu của 11 tháng. Tiếp đó là cá tra với kim ngạch 2,3 tỷ USD, chiếm 22,4%; cá ngừ đạt 941 triệu USD, chiếm 9,2%; Một số mặt hàng bứt phá mạnh mẽ và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng doanh số xuất khẩu gồm: Mực tăng 42%, đạt 372 triệu USD, chiếm 3,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản; tôm hùm tăng gấp hơn 9 lần, đạt 224 triệu USD, chiếm 2,3%; cá cơm tăng 64% với 164 triệu USD, chiếm 1,7%; cá hồi tăng 37% đạt 277 triệu USD, chiếm 2,3%.
Về thị trường xuất khẩu, trong 11 tháng qua Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam với kim ngạch trên 2 tỷ USD. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, khoảng 1,6 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ 3 với khoảng 1,6 tỷ USD. EU khoảng 1,2 tỷ USD. Khối thị trường Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (tính cả Nhật Bản) đạt khoảng 2,7 tỷ USD.
Vừa qua, tại lễ mừng xuất khẩu thủy sản vượt mốc 1 tỷ USD, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho biết, 10 tỷ là mức kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam trong hơn 20 năm xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian tới xuất khẩu thủy sản của nước ta vẫn còn nhiều thách thức về vấn đề con giống, thức ăn và quy hoạch diện tích đất để nuôi trồng thủy sản. Đồng thời với tình hình kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ suy thoái, lạm phát đang diễn ra và tỷ giá biến động, đại diện VASEP cho rằng tình hình xuất khẩu thủy sản đang chững lại khi sức mua và tỷ lệ đơn đặt hàng giảm. Điều này dẫn đến thời gian tới lượng hàng tồn kho sẽ tăng trong khi khâu bảo quản, lưu kho và hậu cần nói chung (logistics).
Tuy nhiên, năm 2022 ước tính ngành thủy sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thủy sản đóng góp gần 12% giá trị. Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
Nguyễn Hạnh
Bình luận