Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ sáu, 02/12/2022 08:12
TMO - Với mức tăng trưởng mạnh trong 11 tháng vừa qua, các chuyên gia tại Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự đoán, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm nay sẽ cán mốc 11 tỷ USD.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 11 tháng của năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoài. Trong đó, riêng xuất khẩu cá tra đạt 2,2 tỷ USD, tăng 61,9%; tôm đạt 4,1 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhờ giá trung bình xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhất 50% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra cũng nắm bắt cơ hội gia tăng thị phần do xung đột Nga- Ukraine làm nguồn cung cá thịt trắng hạn chế. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là những khách hàng lớn nhất của thuỷ sản Việt Nam cho đến nay. Xuất khẩu sang các thị trường này đều ghi nhận mức tăng trưởng hai con số.
Với việc chủ động về các vùng nguyên liệu, dự báo xuất khẩu cá tra năm 2022 vượt 2 tỷ USD
Ông Trương Đình Hòe - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết năm 2022, xuất khẩu thủy sản dự đoán sẽ cán mốc 11 tỷ USD. Xuất khẩu tôm đạt mức 4,3 tỷ USD, tăng 30%; xuất khẩu cá tra đã vượt 2 tỷ USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021 và có khả năng vượt 2,5 tỷ USD cuối năm nay; cá ngừ lần đầu tiên xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD… Tất cả thị trường đều tăng trưởng mạnh, bình quân từ 15–75%, trừ Anh chỉ tăng 3%, Nga tăng 0,2%. Đáng chú ý, 4 thị trường chính chiếm 74% giá trị xuất khẩu thuỷ sản. Riêng xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ lần đầu đạt trên 2 tỷ USD, còn Anh trở thành thị trường lớn thứ 7.
Kết quả này có được là nhờ sự chủ động của các doanh nghiệp về nguyên liệu, sản xuất; sự linh hoạt và kiên trì với xu hướng tiêu dùng; đẩy mạnh trang thiết bị và chuyển đổi số và hướng tới sản xuất xanh, trách nhiệm xã hội cao ngay trong 6 tháng đầu năm 2022. Hiện nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc (18 tỷ USD) và Na Uy (11 tỷ USD), chiếm 7% thị phần. Trong đó, xuất khẩu tôm nằm trong TOP 4 thế giới cùng với Ecuador, Ấn độ và Indonesia. Với gần 8% thị phần tại Hoa Kỳ, Trung Quốc trong năm 2022 và xuất khẩu thủy sản đang tăng dần thị phần tại EU sau 2 năm có EVFTA bất chấp Covid-19.
Các chuyên gia trong ngành thuỷ sản nhận định, năm 2023 sẽ gặp những thách thức làm cản trở sự tăng trưởng của ngành thuỷ sản xuất khẩu. Do tình hình kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu hàng hoá và thực phẩm nói chung, thuỷ sản nói riêng sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm về khối lượng và cả giá nhập khẩu so với năm 2022. Lạm phát trong nước và các chi phí sản xuất và xăng dầu tiếp tục tăng làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản. Thị trường tiêu thụ chậm lại, nhiều nhà nhập khẩu huỷ/hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng.
Tuy nhiên, với những lợi thế có được như: đa dạng trong nuôi trồng thủy sản phù hợp xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới sẽ giúp xuất khẩu thủy sản tăng thị phần tại các nước phát triển. Công suất chế biến thực tế 3 triệu tấn/năm so với mức xuất khẩu xấp xỉ 2 triệu tấn hiện nay. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có công nghệ chế biến thủy sản hiện đại nhất. Hơn 700 cơ sở chế biến đạt chứng nhận bắt buộc của EU, Trung Quốc... những yếu tố này tạo điều kiện để xuất khẩu thủy sản nước ta hướng đến mục tiêu xuất khẩu cao hơn trong năm 2023.
Nguyễn Hạnh
Bình luận