Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 13:01
Thứ bảy, 15/06/2024 07:06
TMO - Trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói, thảm đạt 334,5 triệu USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2024, xuất khẩu nhóm mặt hàng mây, tre, cói, thảm của Việt Nam đạt 66,37 triệu USD, giảm nhẹ 0,4% so với tháng 4/2024 và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói, thảm đạt 334,5 triệu USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực trong việc xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ dù nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn.
Xét về thị trường, Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm, đạt hơn 136,7 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 40,9%. Riêng tháng 5, xuất khẩu mây, tre, cói và thảm sang xứ cờ hoa đã thu về hơn 31,5 triệu USD, tăng 29% so với tháng 3/2023.
Xếp thứ 2 là thị trường Nhật Bản. Tháng 5, nước này nhập khẩu 3,6 triệu USD, giảm 8,7% so với tháng 5/2023. Lũy kế 5 tháng, Việt Nam thu về 20,9 triệu USD nhờ xuất khẩu mặt hàng này sang xứ anh đào, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 6,3%. Thị trường Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam ở lĩnh vực này với 20,5 triệu USD trong 5T/2024, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 6,1%. Riêng tháng 5, thị trường này nhập khẩu từ Việt Nam 2,4 triệu USD, giảm mạnh 37% so với tháng trước.
Xuất khẩu các sản phẩm mây, tre đan của Việt Nam được đánh giá là còn nhiều cơ hội để tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, mây tre đan của Việt Nam là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất trong nhóm lâm sản ngoài gỗ. Hàng mây tre đan của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các nước EU (chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu), thị trường Hoa Kỳ (chiếm 20%) và Nhật Bản (chiếm hơn 9%).
Nhận định về cơ hội cho Việt Nam chiếm lĩnh thị trường mây, tre đan, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng còn rất nhiều, bởi diện tích tre trong nước lên đến 1,5 triệu ha. Cây tre phân bố ở hầu hết các tỉnh trên cả nước, trong đó có 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000ha. Tài nguyên tre Việt Nam phong phú và đa dạng với hàng trăm loài, trong đó có một số loài kinh tế cao như luồng, lùng, trúc sào, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai.
Cả nước có trên 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Trong đó, khu vực phía Bắc và miền Trung tập trung nhiều về các sản phẩm mây tre lá và cói, còn khu vực Tây Nam bộ tập trung nhiều các sản phẩm về bèo tây, lá buông. Năm 2023, xuất khẩu nhóm hàng mây tre đan đem về cho Việt Nam hơn 733 triệu USD. Cùng với Trung Quốc, Indonesia và Philippines, Việt Nam là một trong 4 nước xuất khẩu mây tre đan lớn nhất thế giới.
Các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường tiêu thụ bên cạnh những thị trường truyền thống.
Theo đánh giá của các chuyên gia, xuất khẩu sản phẩm mây tre hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khi tổng thương mại mây tre trên toàn cầu đạt trị giá hơn 57 tỷ USD, thì mây tre đan Việt Nam mới chiếm khoảng 3,37% thị phần thế giới. Trong khi Trung Quốc hiện đang dẫn đầu không chỉ về sản lượng mà còn về năng lực kỹ thuật và chất lượng, chiếm 67% tổng giá trị xuất khẩu tre, nứa trên thế giới.
Nguyên nhân được cho là do lực lượng lao động tại các làng nghề ngày càng giảm, trong khi nhu cầu thị trường vẫn lớn. Liên kết giữa các hiệp hội mây, tre, lá với các doanh nghiệp khác cũng như các hiệp hội thủ công mỹ nghệ còn yếu; công tác xúc tiến thương mại đối với ngành thủ công mỹ nghệ và mây tre đan còn hạn chế, kém hiệu quả. Để tạo nên những sản phẩm mây tre đan đạt chuẩn xuất khẩu, cần đầu tư rất nhiều kinh nghiệm, sáng tạo và công sức. Các làng nghệ luôn phải xây dựng quy trình sản xuất rõ ràng, chi tiết, chú tâm trong việc lựa chọn từ nguyên vật liệu đầu vào tới các mẫu mã sản phẩm đến sản phẩm đầu ra.
Xu hướng tiêu dùng và sử dụng sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên thế giới đã thay đổi, đòi hỏi quy trình sản xuất phải minh bạch, rõ ràng, từ vùng nguyên liệu đến cả quá trình làm ra sản phẩm. Đồng thời, các làng nghề cần thiết kế đẹp hơn, áp dụng công nghệ thông tin giúp sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu thị trường, cũng như có nhiều thông điệp hơn về giá trị nhân văn và giá trị văn hóa. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường như Ấn Độ, Mexico, Thái Lan…
Do đó, Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ khuyến cáo doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất nên khai thác thêm một số thị trường như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico, Chile… bên cạnh các thị trường truyền thống. Quy mô thị trường mây tre toàn cầu dự báo đạt 82 tỷ USD vào năm 2028. Nếu ngành mây tre Việt Nam biết hóa giải những điểm yếu, nắm bắt được sự thay đổi thị hiếu, yêu cầu từ thị trường, thì mây tre có thể mang về hàng tỷ USD cho Việt Nam và khả năng chiếm lĩnh 10 - 15% thị phần thế giới là hoàn toàn khả thi.
Lê Hồng
Bình luận