Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ tư, 12/10/2022 03:10
TMO - Với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 2,45 tỷ USD, nhiều khả năng kết thúc năm 2022 ngành rau quả đạt kim ngạch 3,2 tỷ USD.
Hiệp hội Rau Quả Việt Nam cho biết, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây lớn của thế giới. Việt Nam có diện tích trồng cây ăn quả là 1,2 triệu ha. Tổng sản lượng của cả nước là khoảng trên 12 triệu tấn quả thu hoạch, kim ngạch xuất khẩu trên 3,5 tỷ USD/năm.
Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 65.000 ha trồng thanh long, trong đó diện tích cho thu hoạch gần 58.000 ha, sản lượng 1.400.000 tấn/năm; Xoài là loại cây ăn quả truyền thống và có diện tích lớn nhất ở miền Nam Việt Nam với diện tích khoảng 114.000 ha; sản lượng gần 940.000 tấn, đứng thứ 13 về sản lượng xoài trên thế giới.
Trong khi đó, Nhãn của Việt Nam có diện tích khoảng 82.500 ha, chia đều cho hai miền Nam - Bắc Việt Nam với sản lượng 600.000 tấn/năm. Xuất khẩu dưới dạng sản phẩm tươi và khô; Bưởi được trồng nhiều ở miền Nam nước ta với diện tích khoảng 108.000 ha, sản lượng hơn 1 triệu tấn. Chôm chôm được trồng nhiều ở miền Nam với diện tích 21.600 ha - Sản lượng 307.000 tấn/năm, xuất khẩu tươi sống, đóng hộp, đông lạnh...
Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu trái cây lớn nhất thế giới
Sầu riêng được trồng ở miền Nam nước ta với diện tích khoảng 84.800 ha, sản lượng khoảng 694.000 tấn/năm, xuất khẩu tươi, bóc vỏ, đông lạnh là chủ yếu; Diện tích trồng vải thiều ở miền Bắc nước ta có khoảng 54.800 ha, sản lượng khoảng 387.000 tấn/năm, đứng thứ 3 thế giới về sản lượng, xuất khẩu tươi, đóng hộp, đông lạnh, sấy khô; đối với cây Chanh leo ở nước ta có khoảng 7.600 ha - Sản lượng khoảng 156.000 tấn/năm, xuất khẩu tươi, ép trái cây, xay nhuyễn đông lạnh...
Mới đây, Việt Nam - Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch; chanh dây cũng được xuất khẩu thử nghiệm sang Trung Quốc. Vừa qua, Mỹ đã chấp nhận trái bưởi được xuất sang thị trường này. Sầu riêng chính ngạch của Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc được vài trăm tấn và được người tiêu dùng đón nhận rất tốt.
Trung Quốc mỗi năm chi khoảng 4 tỷ USD để nhập sầu riêng, trong đó 90% nhập từ thị trường Thái Lan, 10% từ Việt Nam và Malaysia. Trái sầu riêng vào được thị trường này kỳ vọng đạt kim ngạch 2 tỷ USD/năm, vượt kim ngạch của thanh long (hiện nay đạt 1 tỷ USD/năm).
Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng trong xuất khẩu trái cây, tuy nhiên 9 tháng của năm 2022 xuất khẩu rau quả Việt Nam chỉ đạt 2,45 tỷ USD, giảm trên 11% so với cùng kỳ. Ở thời điểm hiện tại, dù 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường như Mỹ, Nhật Bản, EU… đều tăng mạnh, có thị trường tăng tới 100%, tuy nhiên thị trường Trung Quốc giảm mạnh, kéo theo kim ngạch cả năm chỉ khoảng 3,2 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2021.
Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Ảnh: TTX
Vụ thị trường châu Á - châu Phi thuộc Bộ Công Thương cho biết, tuy xuất khẩu rau quả Việt Nam đã có mặt ở 60 quốc gia nhưng chủ yếu tập trung một số thị trường lớn như Trung Quốc, Đông Bắc Á, EU và Đông Nam Á. Tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ mới đạt trên 3,5 tỷ USD/năm, chiếm chưa đến 1,4% tổng giá trị thị trường nhập khẩu rau quả của thế giới.
Một trong những hạn chế của xuất khẩu rau quả là chưa đa dạng hóa thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường lớn; khi thị trường lớn gặp khó đã ảnh hưởng ngay đến việc xuất khẩu của Việt Nam. Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, hiện có 157 cơ sở chế biến với công suất đạt gần 1,1 triệu tấn sản phẩm/năm.
Tình trạng thiếu nguyên liệu cung cấp cho hoạt động sản xuất vẫn diễn ra. Công suất đạt bình quân chỉ khoảng 56 - 60%, nguyên nhân là diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất; chế biến theo mùa vụ (2 - 3 tháng/năm); chất lượng an toàn thực phẩm chưa bảo đảm; một số loại rau quả giá thành còn cao.
Về tỷ trọng sản phẩm chế biến: đồ hộp chiếm 50%, sản phẩm nước quả cô đặc 18%, chiên sấy (12%), nước giải khát (10%), sản phẩm đông lạnh (8%)… Tỷ trọng giá trị sản phẩm rau quả chế biến xuất khẩu so với giá trị xuất khẩu rau quả năm 2020 mới đạt 18%.
Do vậy, trong bối cảnh xuất khẩu đang chững lại, tăng cường chế biến sâu, thực hiện đa dạng hóa thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên ngành cho sản phẩm rau quả là rất quan trọng. Đồng thời, doanh nghiệp cần chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, làm ăn bài bản, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể xuất khẩu rau quả vào những thị trường khó tính.
Mai Hoa
Bình luận