Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 02:01
Thứ năm, 23/02/2023 03:02
TMO - Trong những tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra sôi động, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu nông sản hoa quả tươi tăng mạnh. Để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, chủ hàng thông quan hàng hóa nhanh chóng, lực lượng chức năng tại các các cửa khẩu đã triển khai linh hoạt nhiều giải pháp.
Hiện Lạng Sơn đang duy trì thông quan hàng hóa qua 5 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam và Ga Đồng Đăng với khoảng 1.000 lượt xe xuất nhập khẩu mỗi ngày. Trong đó, mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, điển hình là các trái cây chủ lực như thanh long, xoài, mít, vải, dưa hấu, chuối và các loại nông sản khô như thạch đen, tinh bột sắn... Các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu có phát sinh, nhưng chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Trong đó, để mặt hàng hoa quả của Việt Nam xuất khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh thuận lợi nhất, mặt hàng hoa quả đã được đưa vào danh sách loại hàng hóa ưu tiên “luồng xanh”, tức là sẽ không thực hiện kiểm hóa thực tế đối với loại hàng này (chỉ thực hiện kiểm tra hồ sơ kê khai sau thông quan), do vậy, không tính thời gian di chuyển từ trong bãi xe ra đến cửa khẩu thì chỉ mất chưa đến 1 phút là có thể thực hiện thông quan 1 lô hàng hoa quả. Cùng đó, cơ quan hải quan luôn bố trí cán bộ trực, xử lý tờ khai của các doanh nghiệp trên Nền tảng cửa khẩu số 24/24 giờ, qua đó, tất cả các tờ khai về mặt hàng hoa quả của doanh nghiệp đều được giải quyết ngay, kể cả trong giờ nghỉ trưa, do vậy, tính cả thời gian làm các thủ tục khác, các lô hàng hoa quả chỉ mất 2 – 3 phút là có thể thực hiện thông quan ngay.
Theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay đã có trên 1.360 lô hàng hoa quả các loại với gần 220.000 tấn đã được xuất khẩu qua 5 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn ( Hữu Nghị, Tân Thanh, Ga Đồng Đăng, Chi Ma, Cốc Nam), tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Cửa khẩu Tân Thanh, từ ngày 1/1 - 13/2/2023, đơn vị Hải quan đã làm thủ tục xuất khẩu cho 827 lô hàng hoa quả với gần 155.000 tấn, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch đạt hơn 48 triệu USD. Đặc biệt, tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, gần hai tháng qua, quả sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt gần 23.000 tấn, với giá bán tăng khá so với trước đây (giá hiện tại từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, trong khi giá cuối năm 2022 khoảng 70.000 đồng/kg).
Xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu Lạng Sơn tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2023.
Tại Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt – Trung trong bối cảnh mới vừa được tổ chức, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, bên cạnh những thuận lợi trong xuất khẩu nông sản, thời gian qua tình hình xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn gặp một số vướng mắc như: Số lượng sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam xuất khẩu còn hạn chế so với tiềm năng sản xuất; một số loại sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự.
Mặt khác, công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hình thức phân phối các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử. Ngoài ra, những khó khăn về cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu, các dịch vụ logistics nói chung và Lạng Sơn nói riêng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Một số quy định về phương thức giao nhận hàng hóa với Trung Quốc như cắt nối moóc, xét nghiệm Covid-19… còn ảnh hưởng đến năng lực, chi phí thông quan.
Lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường tỷ dân này các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường. Với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.
Nguyễn Mạnh
Bình luận