Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ ba, 04/10/2022 04:10
TMO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 9 tháng của năm 2022 nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá, năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, trong đó giá trị xuất khẩu ước đạt 40,8 tỷ USD, dự kiến cả năm, xuất khẩu vẫn sẽ về đích 50 tỷ USD.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của ngành nông nghiệp khi tổng kim ngạch sau 9 tháng khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2%, nhập khẩu ước đạt khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%. Ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Về xuất khẩu, nhóm nông sản chính xuất khẩu đạt trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng 38%. Đến nay, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu 02 tỷ USD. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ như: cà phê đạt gần 3,1 tỷ USD (tăng 37,6%); cao su trên 2,3 tỷ USD (tăng 7,8%); gạo đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 9,3%); hồ tiêu khoảng 774 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt trên 1 tỷ USD (tăng 21%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12,4 tỷ USD (tăng 11,4%).
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD (chiếm 25,8%); thị trường Trung Quốc đạt khoảng 7,4 tỷ USD (chiếm 18,2%); thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 3,1 tỷ USD (chiếm 7,6%); thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Trong tháng 9, những lô sầu đầu tiên của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc
Bộ NN&PTNT đã quản lý và cấp 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại 54 tỉnh, thành phố; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Mới đây, 2 Nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng đã được ký giữa Việt Nam – Trung Quốc; đã có 25 mã số cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt và trong tháng 9 đã xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông lâm thủy sản 9 tháng đạt 2,99% so với cùng kỳ 2021. Đối với ngành trồng trọt, Cục Trồng trọt cho biết 9 tháng, giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 1,0% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến trung tuần tháng 9 cả nước gieo cấy được gần 7 triệu ha lúa; đã thu hoạch trên 5,4 triệu ha; năng suất bình quân đạt 61,6 tạ/ha; sản lượng thu hoạch trên 33,4 triệu tấn. Nhóm cây ăn quả: Tổng diện tích đạt 1.162,6 nghìn ha, tăng 25,6 nghìn ha, tăng 2,3%. Nhóm cây công nghiệp hiện có tổng diện tích 2.198,3 nghìn ha, tăng 18,0 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước.
Ngành chăn nuôi, giá trị sản xuất 9 tháng tăng khoảng 5,35% với sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 5,1 triệu tấn, tăng 5,33% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, đàn lợn ước tăng 8,8%, sản lượng thịt lợn hơi ước đạt 3.232,7 nghìn tấn, tăng 5,8%. Đàn gia cầm ước tăng 3,8%; sản lượng thịt ước đạt 1.467,1 nghìn tấn, tăng 4,8%. Trứng ước đạt 13,4 tỷ quả, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng cục Lâm nghiệp thông tin: Diện tích trồng rừng từ đầu năm đến nay đạt 187,5 nghìn ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 13,7 triệu m3, tăng 6,18%; sản lượng củi 13,9 triệu ste, tăng 0,36%. Chín tháng, cả nước thu 2.471 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 82,4% kế hoạch, tăng 17,2% so cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP ngành lâm nghiệp đạt tới 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng ước đạt 6.602,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản 9 tháng ước tăng khoảng 4,43% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản tháng 9 ước đạt 805,9 nghìn tấn, tăng 4,3% so với tháng 9/2021; lũy kế 9 tháng, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 6.602,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đến thời điểm này, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt xuất khẩu ước đạt 40,8 tỷ USD, trong bối cảnh nhiều khó khăn do tình hình địa chính trị, khiến thị phần thị trường sẽ thu hẹp, tồn kho xuất hiện, đơn hàng giảm rất sâu.
Để đạt được mục tiêu về đích xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 50 tỷ USD; tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành 2,8-3%, để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn, định hướng các địa phương nhất là các vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, mở cửa thị trường, ở thị trường trong nước tập trung phát triển đa dạng các kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm; bảo đảm nguồn cung và ổn định giá thực phẩm, giá thịt lợn để góp phần giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong ngưỡng cho phép, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Đối với xúc tiến thương mại quốc tế, mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ sẽ chủ động cùng Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường, cơ hội và thách thức; đánh giá tác động và tham mưu Thủ tướng Chính phủ có đối sách, kịch bản thích ứng với diễn biến cung - cầu nông lâm thủy sản trên thế giới, nhất là đối với hàng lương thực, thực phẩm.
Hoàng Tùng
Bình luận