Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ tư, 12/10/2022 11:10
TMO - Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9/2022 xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam giảm tháng thứ 3 liên tiếp, đạt 13,86 nghìn tấn, trị giá 56,83 triệu USD.
Cụ thể, theo thống kê chính thức của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong tháng 9/2022 Việt Nam xuất khẩu được 14.901 tấn, tiêu đen đạt 12.547 tấn, tiêu trắng đạt 1.544 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 57,6 triệu USD, tiêu đen đạt 48,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 8,7 triệu USD. So với tháng 8/2022, lượng xuất khẩu giảm 25,7%, kim ngạch giảm 25,8%, so với tháng 9/2021 giảm 9,1% về lượng và giảm 7,7% về trị giá.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2022, Việt Nam xuất khẩu được 177.221 tấn hồ tiêu các loại, tiêu đen đạt 152.768 tấn, tiêu trắng đạt 24.453 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 782,6 triệu USD, tiêu đen đạt 638,2 triệu USD, tiêu trắng đạt 144,4 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu giảm 17,6% tương đương 37.905 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 7,6%% tương đương 55,2 triệu USD.
Tháng 9/2022, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt mức 4.099 USD/tấn, tăng 0,7% so với tháng 8/2022 và tăng 1,5% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt mức 4.414 USD/tấn, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Hoa Kỳ, Nga. Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường khu vực châu Á giảm đến 22.5%, giảm mạnh nhất ở Trung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực (giảm 67,8% so cùng kỳ).
Hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là UAE giảm 1,8% đạt 13.336 tấn và Ấn Độ tăng 3% đạt 11.332 tấn. Thị trường châu Phi cũng ghi nhận sự sụt giảm khi 9 tháng xuất khẩu giảm 19%; xuất khẩu sang Ai Cập giảm 50,4% đạt 2.332 tấn; xuất khẩu sang Nam Phi và Gambia cũng giảm.
Thu hoạch hồ tiêu tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: MT
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt 3.603 tấn tuy nhiên lượng nhập khẩu giảm 23,6% so với tháng 8. Trước đó, trong tháng 8 Mỹ giảm nhập khẩu hạt tiêu từ hầu hết các nguồn cung chủ yếu, ngoại trừ Việt Nam và Trung Quốc.
Tính đến hết tháng 8 năm nay, Mỹ nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt xấp xỉ 45.500 tấn, trị giá hơn 222 triệu USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 45,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam cũng là nhà cung cấp hạt tiêu lớn nhất cho thị trường Mỹ trong 8 tháng năm 2022, chiếm 73% tổng giá trị nhập khẩu, cao hơn so với mức 67,17% cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu hồ tiêu được dự báo vẫn nhiều khó khăn trong bối cảnh giá hồ tiêu thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm do nhu cầu giảm ở nhiều quốc gia, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc và đồng USD neo cao đang kìm hãm xuất khẩu các nước.
Theo các chuyên gia, đến thời điểm này, lượng dự trữ hồ tiêu trong cả nước đã tăng khá cao, lên 100 ngàn tấn. Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi vụ thu hoạch sắp tới, với lượng dự trữ như trên sẽ khiến cho thị trường hồ tiêu khó về lại mốc giá như đầu năm. Thời điểm hiện tại, giá hồ tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Hoa Kỳ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, hiện nay ngành tiêu đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Điển hình như, hồ tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn. Các thị trường này có cước phí rẻ hơn Việt Nam nên giá xuất khẩu luôn được chào bán thấp hơn.
Những bất ổn về địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng Nga-Ukraine hiện vẫn đang còn tác động đến tiêu thụ tiêu. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ còn biến động trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu còn lên xuống thất thường. Căng thẳng địa chính trị khiến lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tác động tiêu cực lên hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng trên toàn cầu, trong đó có hạt tiêu.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu tiêu gặp nhiều khó khăn, các chuyên gia cho rằng việc phát triển sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ sẽ đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân; đồng thời giúp ngành tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, cần nâng cao vai trò của các thương vụ tại nước ngoài rất quan trọng trong vấn đề cung cấp thông tin thị trường đến doanh nghiệp để doanh nghiệp tránh được những rủi ro, những tranh chấp với đối tác.
Đức Minh
Bình luận