Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 05:01
Thứ ba, 23/08/2022 11:08
TMO - Bộ Công Thương nhận định, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao (khoảng 8%).
Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023 ngành Công Thương vừa được Bộ Công thương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch đạt hơn 371,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 186 tỷ USD.
Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 19,5%, mức tăng này cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 16,6%) cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 mặt hàng so với cùng kỳ, chiếm 91,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt các FTA thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, việc cấp giấy chứng nhận xuất khẩu hàng hóa C/O mẫu CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) đạt 1,32 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ; cấp C/O mẫu EUR.1 sang EU đạt 5,84 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ….Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 743 triệu USD, góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 sẽ vượt mục tiêu đề ra
Nhận định về tình hình thế giới những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho rằng, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục dự báo còn nhiều khó khăn, nhiều nền kinh tế lớn dự báo có thể suy thoái kinh tế. Lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia như khu vực EU là 8,6% hay tại Hoa Kỳ là 9,1% trong tháng 6 và dự kiến sẽ còn ở mức cao có thể làm ảnh hưởng tới tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, làm sụt giảm cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn khẳng định: Kết quả xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 tích cực là cơ sở để ngành công thương phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đề ra cho xuất khẩu của cả năm 2022. Nửa cuối năm 2022, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP ngày càng được thực thi toàn diện và hiệu quả hơn. Dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc.
Trên cơ sở thống kê sơ bộ xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương nhận định, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao (khoảng 8%) và vượt mục tiêu Kế hoạch đề ra của Bộ Công Thương (8,1%) và nhập khẩu đạt khoảng 367 tỷ USD.
Về cán cân thương mại, dự kiến năm 2022 xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, đạt mục tiêu kế hoạch. Về mục tiêu phát triển thương mại đặt ra cho năm 2023, ngành công thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8% so với năm 2022, cán cân thương mại duy trì xuất siêu.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid-19, sự thay đổi trong chính sách thương mại của các nước, các đối tác lớn và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp điều hành ứng phó kịp thời với các yếu tố bất lợi.
Các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTAs nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu đối với mặt hàng sản xuất
Bên cạnh đó, chú trọng công tác triển khai thực hiện các FTAs, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết trong các FTA để vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, tận dụng tối đa các cơ hội, hạn chế thách thức từ các Hiệp định này.
Tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hàng nông sản; tổ chức các hoạt động kết nối cấp vùng miền nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… để tạo thuận lợi cho các Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Tăng cường công tác thông tin dự báo thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, chính sách, tập quán buôn bán của các thị trường để Chính phủ, các bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả. Tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước phát triển để giảm sự phụ thuộc vào khu vực FDI trong sản xuất và xuất khẩu….
Khánh Nam
Bình luận