Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 06:01
Thứ tư, 19/10/2022 11:10
TMO - Với tình hình lạm phát cao tại thị trường xuất khẩu gỗ chủ lực tại Mỹ, châu Âu... xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022 được nhận định là vẫn còn nhiều thách thức.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9 đạt 1,41 tỷ USD, giảm 21% so với tháng 8, nhưng tăng 56,5% so với tháng 9/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 734,8 triệu USD, giảm 17% so với tháng 8/2022, nhưng tăng 71,5% so với tháng 9/2021.
Tính chung 9 tháng của năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, xuất khẩu từ tháng 5 đến nay doanh số giảm và tháng 9 chỉ đạt hơn 1,1 tỷ USD giảm 21% so với tháng trước đó. Về thị trường, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ đạt 6,8 tỷ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Mỹ, những tháng cuối năm thường là giai đoạn người dân sẽ trang hoàng, sửa chữa lại nhà cửa để chuẩn bị đón một loạt các dịp lễ quan trọng như Noel, năm mới. Thông thường vào giai đoạn này, nhu cầu đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất sẽ tăng cao. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của lạm phát và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang duy trì lãi suất ở mức cao để chống lạm phát đã ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng của người dân.
Đa phần người dân Mỹ đều chi tiêu bằng tín dụng (mua hàng trước, còn tiền có thể trả sau). Vì vậy, lãi suất tăng cao sẽ buộc người dân phải thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là đối với các mặt hàng không được coi là thiết yếu như đồ gỗ nội thất. Các chuyên gia tại Hiệp hội gỗ và lâm sản nhận định: Những thách thức của ngành gỗ từ nay đến cuối năm là rất lớn, ngoài ứng phó với phòng vệ thương mại, thắt chặt tiêu dùng, còn là những thách thức liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu chủ lực của đồ gỗ Việt Nam.
Ảnh minh họa
Tại thị trường châu Âu, Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã ký kết từ năm 2018, có hiệu lực từ năm 2019. Hiệp định hướng tới mục tiêu đảm bảo các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được sản xuất hợp pháp, góp phần cải thiện quản trị rừng, mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ bền vững.
Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thể cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng đồ gỗ xuất khẩu sang EU. phía EU và Việt Nam thống nhất xây dựng hệ thống phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, nhằm giảm bớt gánh nặng hành chính cho cơ cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Đồng thời, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.
Theo đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được phân thành 2 nhóm. Nhóm 1 là nhóm tuân thủ đầy đủ pháp luật của Việt Nam. Nhóm 2 là các doanh nghiệp chưa tuân thủ các quy định của Pháp Luật Việt Nam. Doanh nghiệp có tên trong nhóm 1 sẽ không cần xác minh, mà doanh nghiệp sẽ được tự xác nhận vào Bảng kê lâm sản khi làm hồ sơ xuất khẩu. Với doanh nghiệp thuộc nhóm 2, sẽ phải xác minh trước khi xuất khẩu: Cơ quan kiểm lâm sở tại kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế tối thiểu 20% khối lượng của mỗi lô hàng xuất khẩu.
Việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ đã triển khai từ tháng 5/2022. Tính đến ngày 10/10/2022, có 141 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được xếp loại nhóm I, chiếm tỷ lệ còn hạn chế trong tổng số các doanh nghiệp phải thực hiện phân loại (1.200 -1.300 doanh nghiệp).
Báo cáo “Biến động về thị trường xuất khẩu của ngành gỗ: Từ góc nhìn doanh nghiệp - Tháng 8/2022” cho thấy, với thị trường EU, có 39/52 doanh nghiệp được hỏi có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của các công ty này sang EU chiếm 33% tỷ trọng nhóm được khảo sát. Từ đầu năm 2022, 24 công ty xuất khẩu sản phẩm gỗ sang EU ghi nhận giá trị sụt giảm với mức giảm trung bình khoảng 42,2%. Đặc biệt, một số mất hẳn nguồn thu từ thị trường EU. Chỉ có 4 doanh nghiệp tăng và mức tăng trung bình là 14%.
Không chỉ gặp khó với thị trường xuất khẩu, thị trường gỗ nội địa cũng đang bị giảm doanh thu đáng kể. Các sản phẩm gỗ xuất khẩu hiện đã giảm 30%, doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm 1 nửa, thậm chí một vài doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp ngành gỗ đang cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, cùng ngân hàng Nhà nước với các chính sách như giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn vay, giảm chi phí container... để doanh nghiệp ổn định sản xuất, tăng lượng đặt đơn hàng trong những tháng cuối năm 2022.
Minh Tâm
Bình luận