Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 06:01
Thứ năm, 24/11/2022 02:11
TMO - Với những nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong việc đa dạng chủng loại gạo đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường, xuất khẩu gạo của nước ta thời gian qua tăng trưởng mạnh cả lượng, giá trị.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2022 đạt 713.546 tấn, trị giá 341,064 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 23,9% về trị giá so với tháng 9/2022. Tháng 10/2022 đã trở thành tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo nước ta. Theo đó, thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt, trong khi Ấn Độ áp thuế 20% lên toàn bộ gạo xuất khẩu của nước này đã giúp thúc đẩy thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam.
Trong tháng 10/2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng đạt bình quân 425-430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Giá gạo xuất bình quân của Việt Nam tăng cao còn là nhờ thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao.
Xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh về cả sản lượng và giá trong tháng 10/2022. Ảnh: Cửu Long
Lũy kế 10 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 6 triệu tấn, trị giá trên 2,9 triệu USD, tăng 17,4% về lượng và 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2022 ước đạt 484 USD/tấn. Về thị trường, trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt hơn 2,7 triệu tấn, chiếm tỷ lệ 45%, trị giá trên 1,2 tỷ USD. Xuất khẩu sang các thị trường khó tính cũng ghi nhận tăng trưởng cao. Trong 10 tháng, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ tăng 84,8%; sang thị trường EU tăng 82,2%.
Theo ước tính mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Philippines, quốc gia mua gạo lớn thứ hai thế giới, dự kiến sẽ nhập khẩu tổng khối lượng 3,4 triệu tấn gạo trong năm nay. Dữ liệu từ Cục Công nghiệp Thực vật (BPI) Philippines cũng cho thấy tổng lượng gạo nhập khẩu cho đến ngày 3/11 đạt 3,242 triệu tấn, trong đó, có 2,701 triệu tấn gạo đến từ Việt Nam.
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong tháng 10/2022 đạt 131.609 tấn, trị giá 63.306.470 tấn, tăng 66,68% về lượng và tăng 75,04% về kim ngạch so với tháng 10 năm ngoái. Luỹ kế 10 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 757.575 tấn, chiếm tỷ lệ 12,45%, trị giá 382.676.125 USD, giảm 18,01% về lượng và giảm 16,78% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau gần 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA), xuất khẩu gạo nói riêng của Việt Nam đang dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường EU. Các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như ST24, ST25, Jasmine… được người dân khu vực này ưa chuộng. EU cấp hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế suất ưu đãi 0% sau khi EVFTA có hiệu lực thi hành. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn.
Việc chuyển đổi, mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa chất lượng cao góp phần gia tăng giá trị của mặt hàng xuất khẩu này. Ảnh: CK
Nhu cầu nhập khẩu gạo tại nhiều thị trường vẫn tiếp tục tăng cao trong các tháng cuối năm sẽ tạo dư địa để ngành gạo vượt mục tiêu xuất khẩu. Ước tính, nếu duy trì sản lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn/tháng trong 2 tháng còn lại của năm, xuất khẩu toàn ngành gạo trong năm nay có thể đạt 6,8 đến 7 triệu tấn. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, với bối cảnh thuận lợi cho ngành gạo trong thương mại quốc tế và nhu cầu nội địa được thúc đẩy cuối năm, xu hướng tăng giá có thể còn kéo dài đến hết năm nay. Ngành gạo những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao. Hiện tỷ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%, nhờ đó gia tăng được sản lượng gạo có giá trị cao sang các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Bộ NN&PTNT cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động phương án xuất khẩu gạo và tận dụng những lợi thế, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương liên tục cập nhật diễn biến thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị; đồng thời phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Trước hết, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các vùng trọng điểm sản xuất lúa, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện canh tác lúa ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỉ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp cho thị trường xuất khẩu gạo năm 2023.
Ngọc Ánh
Bình luận