Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 17:11
Thứ năm, 23/03/2023 16:03
TMO - Trong năm 2023 với những điều kiện thuận lợi về giá, thị trường nhập khẩu, dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,6 - 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD.
Năm 2023, ngành lúa gạo Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi từ giá gạo duy trì ở mức cao vì nhu cầu tăng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu dự trữ lương thực của thế giới tăng mạnh, doanh nghiệp cầm chắc đơn hàng cả năm với mức giá cao đang là lợi thế giúp mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tiếp tục nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2023 xuất khẩu gạo Việt Nam đang có nhiều triển vọng tăng trưởng mạnh tại các thị trường chính. Trong đó, đối với thị trường Trung Quốc dự báo năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường này có thể đạt 1 triệu tấn. Điều này xuất phát từ nguyên nhân hạn hán kéo dài tại Trung Quốc khiến sản lượng niên vụ 2021-2022 của nước này giảm 2%. Vì vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022-2023.
Riêng thị trường Philippines là quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, mới đây Chính phủ nước này quyết định duy trì thuế nhập khẩu gạo ở mức 35%. Việc duy trì chính sách giảm thuế nhập khẩu của Philippines sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2023 cũng như đảm bảo tính ổn định của thị trường. Ngoài ra, lượng tồn kho tại Philipines giảm do nhiều diện tích gieo trồng của nước này bị tàn phá bởi bão Noru, chi phí phân bón tăng cao khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo.
Xuất khẩu gạo kỳ vọng tăng trưởng ổn định trong năm 2023, xuất khẩu khoảng 6,6 - 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD. Ảnh: CL.
Tại Ấn Độ, diện tích gieo cấy của nước này giảm 380.000 ha do hạn hán, dự kiến sản lượng của đợt gieo trồng Kharif (thu hoạch vào mùa thu và đầu mùa đông) chiếm 80% sản lượng nước này, có thể lên tới 10-12 triệu tấn cho niên vụ 2022/2023. Theo đó, sự sụt giảm nguồn cung tại Ấn Độ là tác nhân chính cho dự báo thâm hụt gạo toàn cầu năm tới.
Ngoài ra, các thị trường khó tính như: Châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu khi người tiêu dùng đang rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Đặc biệt, tại thị trường châu Âu với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp nên tìm cách gia tăng sản lượng, chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 2/2023 ước đạt 430.000 tấn với giá trị 231 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 789.000 tấn và 417 triệu USD, giảm 18,8% về khối lượng và giảm 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị Trung Quốc đã vượt 100.000 tấn, đạt kim ngạch gần 62 triệu USD. Nhu cầu từ các thị trường đang dần phục hồi trở lại. Đặc biệt, số các đơn hàng từ Trung Quốc và Philippines đang tăng mạnh.
Bộ Công Thương cũng nhận định cả năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi. Dự báo kim ngạch có thể đạt từ 6,5 - 7 triệu tấn. Dù có nhiều tín hiệu lạc quan, song các chuyên gia, nhà quản lý cũng nhận định thị trường vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao. Để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo sát tình hình thị trường; đồng thời chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại và thông báo các diễn biến kịp thời về tình hình thị trường cho hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu.
Năm 2022 xuất khẩu gạo đạt 7,13 triệu tấn, mang lại kim ngạch 3,45 tỷ USD; tăng 13,8% về số lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, chủng loại gạo trắng thường vẫn chiếm tỷ trọng ổn định ở mức dưới 45%, gia tăng xuất khẩu chủng loại gạo Việt Nam có thế mạnh như, gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp… giảm tỷ trọng xuất khẩu gạo thường, chất lượng thấp. Năm 2022, cũng tiếp tục ghi nhận xuất khẩu chủng loại gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng mặc dù với số lượng nhỏ nhưng mang lại giá trị cao.
Ngọc Ánh
Bình luận