Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ hai, 19/09/2022 20:09
TMO - Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng của năm 2022 sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định đặc biệt tại các thị trường chính như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ...
Theo đó, tháng 8/2022 Việt Nam xuất khẩu được 219.260 tấn cao su, trị giá 332,36 triệu USD, tăng 11,6% về lượng và tăng 4,2% về trị giá so với tháng 7/2022, còn so với tháng 8/2021 tăng 15,9% về lượng và tăng 7,1% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.516 USD/tấn, giảm 6,6% so với tháng trước và giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu cao su bình quân của Việt Nam đã ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp giảm và hiện đang ở vùng giá thấp so với mức giá xuất khẩu trung bình của năm 2021.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng 8/2022, chiếm 74,6% tổng lượng cao su xuất khẩu với 163.580 tấn, trị giá gần 241,1 triệu USD. Giá trị xuất khẩu này tăng 16,8% về lượng và tăng 9,5% về trị giá so với tháng 7/2022 và tăng 20,3% về lượng, tăng 9,2% về trị giá so với tháng 8/2021. Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc trong tháng 8/2022 ở mức 1.474 USD/tấn, giảm 6,2% so với tháng trước đó và giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu cao su tại các thị trường chủ lực vẫn tăng trưởng ổn định trong 8 tháng của năm 2022
Lũy kế 8 tháng năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 1,2 triệu tấn, trị giá 2,01 tỷ USD, tăng 8,7% về lượng và tăng 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 840.110 tấn cao su, trị giá 1,36 tỷ USD, tăng 7,9% về lượng và tăng 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ lực khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Indonesia… tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với tháng 8/2021. Đặc biệt, có những thị trường đã tăng trưởng tới 2 con số như Ấn Độ (tăng trưởng 45,5% về lượng và 44,3% về trị giá), Nga (tăng 55,8% về lượng và 51% về trị giá) và Brazil (tăng 45,2% về lượng và 32,1% về trị giá).
Năm 2022, mục tiêu đặt ra cho ngành cao-su xuất khẩu đạt giá trị 3,5 tỷ USD, trong đó, tính đến hết quý II, theo thống kê hải quan, kim ngạch xuất khẩu cao-su đã đạt 1,54 tỷ USD với sản lượng 772.000 tấn, tăng hơn 8% về lượng và 28% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay, trên toàn quốc có hơn 250 doanh nghiệp và cơ sở tư nhân tham gia chế biến cao-su với công suất đạt hơn 1,2 triệu tấn/năm. Theo đánh giá, tổng công suất của các cơ sở chế biến hiện nay đã vượt sản lượng cao-su hằng năm của Việt Nam từ 15-20%.
Các địa phương chú trọng nâng cao chất lượng nguồn cao su. Ảnh: LA
Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng cao su (với gần 1 triệu ha) nhưng đứng thứ 3 thế giới về sản lượng cao su xuất khẩu nhờ năng suất dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, giá bán cao su của Việt Nam lại thấp hơn các nước trong khu vực. Do đó, việc nâng tầm thương hiệu ngành cao su Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng.
Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại, sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Cao su Việt Nam xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu ngành cao su Việt Nam trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, gia tăng sự nhận biết của các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng cuối cùng về các sản phẩm mang nhãn hiệu "Cao su Việt Nam/Viet Nam Rubber".
Theo dự báo từ nay đến hết năm 2023, dự kiến nguồn cung cao-su toàn cầu thiếu hụt và sự thiếu hụt này có thể sẽ kéo dài đến năm 2030. Các chuyên gia nhận định những năm tới, Việt Nam có khả năng được hưởng lợi về xuất khẩu cao su do tình hình thế giới vẫn đang khan hiếm nguồn nguyên liệu này. Xuất khẩu cao-su của Việt Nam sang các thị trường lớn sẽ tiếp tục tăng, trong đó, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất.
Hoàng Lâm
Bình luận