Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 06:01
Thứ ba, 15/11/2022 02:11
TMO - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 10 là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022 tới nay, chỉ bằng một nửa nếu so với doanh thu đỉnh điểm của tháng 4/2022.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 10 đạt 159 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên đây lại là mức tăng trưởng xuất khẩu thấp nhất so cùng kỳ năm trước trong các tháng. Luỹ kế đến hết tháng 10 xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia tại VASEP cho biết, những tín hiệu thị trường không còn được tích cực như giai đoạn nửa đầu năm. Lạm phát khiến nhu cầu giảm dần qua từng tháng, nhất là tại các thị trường Mỹ, EU, Anh, thậm chí ở cả các thị trường vốn có lợi thế về thuế quan CPTPP hoặc lợi thế về địa lý”.
Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 10 đã giảm gần 25% xuống còn 32 triệu USD. Bắt đầu từ tháng 7, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ chỉ dao động 32-33 triệu USD mỗi tháng, mức sụt giảm đáng kể so với mức đỉnh 81 triệu USD hồi tháng 4. Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu cá tra của Việt Nam và Mỹ giảm là do giá tăng. So với cùng kỳ năm 2021, giá trung bình nhập khẩu cá tra phile đông lạnh từ Việt Nam vào Mỹ tăng 53,3% từ 2,78 USD lên 4,26 USD/kg. Đây cũng là sản phẩm có giá nhập khẩu tăng nhiều nhất trong các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Mỹ trong 3 quý đầu năm nay.
Xuất khẩu cá tra trong tháng 10/2022 giảm tốc đạt giá trị xuất khẩu thấp nhất từ đầu năm đến nay. Ảnh: TTX
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến hết quý III/2022, nước này đã nhập khẩu khoảng 104,5 nghìn tấn cá tra phile đông lạnh (mã HS 03046200) của Việt Nam, trị giá 610,5 triệu USD, tăng 19% về lượng nhưng cao hơn 66% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. So với cùng kỳ năm 2021, giá trung bình nhập khẩu cá tra phile đông lạnh từ Việt Nam vào Mỹ tăng 53,3% từ 2,78 USD lên 4,26 USD/kg. Cá tra phile đông lạnh chiếm gần 60% tổng khối lượng các loài cá nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, về giá trị chiếm 43%. Đây cũng là sản phẩm có giá nhập khẩu tăng nhiều nhất trong các sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu vào Mỹ trong 3 quý đầu năm nay.
Xuất khẩu cá tra sang các thị trường chính trong khối EU có các xu hướng khác nhau trong tháng 10/2022. Trong khi xuất khẩu sang Bỉ giảm 25%, xuất khẩu sang Đức lại tăng đột biến 384%, sang Hà Lan vẫn giữ tăng trưởng nhẹ 10%, sang Tây Ban Nha tăng 142%.Các chuyên gia VASEP nhận định, trong tháng 10, xuất khẩu sang những thị trường nhỏ vốn được coi là tiềm năng trong những năm gần đây như Mexico, Malaysia, Colombia, Arap Xê út…đều bị giảm từ 13-53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù nhiều thị trường của cá tra Việt Nam đang giảm song tại thị trường chủ lực là Trung Quốc xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng tốt trong tháng 10 với tốc độ 23%. Tính chung 10 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam với tổng giá trị 632 triệu USD, chiếm thị phần đến 30% và tăng trưởng hơn gấp đôi năm trước.
Tính tới hết tháng 10, Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu đạt 594 triệu USD, chiếm 28% và tăng 106% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, vẫn có một số thị trường nhỏ đang tăng mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam, như Nga tăng gấp gần 5 lần so với tháng 10/2021, Thái Lan tăng 13%... Theo dự báo của các chuyen gia VASEP, với sự tăng trưởng hiện tại thì xuất khẩu cá tra đến cuối năm có thể đạt khoảng 2,45-2,5 tỷ USD, tăng 54% so với năm 2021.
Lê Hồng
Bình luận