Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 03:01
Thứ ba, 14/03/2023 11:03
TMO - Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm gắn liền với vùng chuyên canh có mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc, ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa an toàn gắn với mã số vùng trồng.
Với gần 34.000ha đất canh tác hàng năm, Hà Nội là địa phương có tốc độ tăng trưởng diện tích trồng màu đạt trung bình 1,41%/năm. Trong đó, diện tích rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận duy trì ổn định khoảng 5.451,8ha với năng suất ước đạt 70 tấn/ha/năm. Sản lượng rau hàng năm đạt trên 700.000 tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 1,9%/năm. Sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội tương đối đa dạng, theo mùa, trong đó 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản như: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối sử dụng giống nuôi cấy mô...
Hiện nay, thành phố cũng đã hình thành 104 vùng sản xuất rau an toàn với quy mô từ 20ha trở lên tại các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ... giá trị đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa, cá biệt có vườn thu được 1 đến 1,5 tỷ đồng/ha (như bưởi đường Quế Dương tại Cát Quế, cam Canh tại Đắc Sở - Hoài Đức).
Thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển diện tích các vùng trồng rau an toàn, sản xuất nông nghiệp sạch. Ảnh: ĐH
Để phục vụ nhu cầu chế biến và xuất khẩu, Hà Nội đã được cấp và đang duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 300ha; trong đó, 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 3 mã số cấp cho vùng trồng nhãn, 3 mã số cấp cho vùng trồng bưởi Diễn phục vụ xuất khẩu. Đây là điều kiện cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến những mặt hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu. Thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa an toàn gắn với mã số vùng trồng.
Trước yêu cầu của gia tăng chất lượng sản phẩm của thị trường tiêu thụ, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung phát triển nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, hiện đại, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế của từng địa phương; phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị trong nước và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu, tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 2,5 đến 3%/năm, mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hơn 70%; tỷ lệ giá trị sản xuất trồng trọt mỗi năm tăng 0,4 đến 0,7% trở lên; tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết bền vững đạt từ 45% trở lên. Phấn đấu diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt 30 đến 40%, nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 2 đến 3% tổng diện tích gieo trồng.
Sở NN&PTNT thành phố tiếp tục quản lý, giám sát hoạt động sản xuất tại các đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn, như: Chuối, rau, cây ăn quả, ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã làm chứng nhận sản phẩm VietGAP, hữu cơ, đạt chứng nhận OCOP… Với những vùng sản xuất này, sẽ góp phần tăng thêm nguồn nông sản chất lượng cao cho ngành Nông nghiệp phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới.
Sở tiếp tục phối hợp với các ngành tăng cường giải pháp kết nối, xúc tiến xuất khẩu nông sản chính ngạch của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; tăng cường thông tin về tiềm năng thị trường, hướng dẫn đăng ký mã số vùng sản xuất; quy định kiểm dịch, quy trình kiểm soát nhập khẩu của các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu. Tăng cường tập huấn cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về quy định bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu; tuyên truyền về các Hiệp định Thương mại tự do FTA, các rào cản thị trường nước ngoài... nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.
Cùng với ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp và cơ quan chức năng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại các nhóm, ngành hàng nông sản. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đa dạng các thị trường; tiếp tục hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Theo thống kê, trong năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 1,75 tỷ USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm đạt 871 triệu USD, tăng 12,2%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 883 triệu USD, tăng 17,5%. Đa số doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đặt nhà máy tại Hà Nội và các tỉnh nhằm thu mua nguyên liệu của các tỉnh, thành phố để đóng gói, xuất khẩu. Một số sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội, có chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước, như: Nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai xuất khẩu đi Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) xuất khẩu sang Đức; rau Văn Đức (huyện Gia Lâm) xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc…
Thanh Nga
Bình luận