Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 05:11
Thứ hai, 25/04/2022 19:04
TMO - Trong 3 tháng đầu năm 2022, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng 30-50%, cùng với thời gian vận chuyển kéo dài, dẫn đến ngành chế biến gỗ xuất khẩu bị đứt gãy. Việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng góp phần ổn định sản xuất cho các doanh nghiệp chế biến gỗ.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong chế biến gỗ xuất khẩu, nguyên liệu đóng vai trò quyết định của sự tăng trưởng trong sản xuất và chiếm từ 40-60% cơ cấu giá thành của sản phẩm. Hàng năm, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam phải nhập khẩu 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn để phục vụ sản xuất từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, cả nước có 5.580 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. Đến nay, đã có hơn 1.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản được chứng nhận quản lý theo chuỗi hành trình sản phẩm theo hệ thống chứng nhận của các tổ chức FSC và PEFC quốc tế.
Ngành chế biến gỗ xuất khẩu nước ta còn phụ thuộc lớn vào lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang trải qua những biến động rất lớn trong thời gian vừa qua. Hiện nay nguồn cung cầu gỗ nguyên liệu trên thế giới có những biến động rất lớn, nhất là khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraina, khiến giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ trong vòng 3 tháng đầu 2022, giá gỗ thông tròn nhập khẩu đã tăng 52%, gỗ thông xẻ nhập khẩu tăng 38%, gỗ sồi xẻ tăng 36%.
Mặc dù, gỗ nguyên liệu trong nước đáp ứng gần 80% nhu cầu nguyên liệu, tuy nhiên, gần 70% là gỗ có kích thước nhỏ, sản xuất các sản phẩm như dăm gỗ, các loại ván nhân tạo. Vì vậy, để ổn định nguồn gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ trong nước cần phải thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn.
Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp, đến nay cả nước có 489.016 ha rừng trồng gỗ lớn, bước đầu đã đáp ứng chất lượng nguyên liệu để sản xuất đồ gỗ. Năng suất rừng trồng từng bước được cải thiện, năng suất bình quân đạt khoảng 15m3/ha/năm. Tuy nhiên, năng suất này vẫn còn quá thấp so với rừng trồng ở các nước châu Âu, Mỹ.
Trồng rừng gỗ lớn góp phần ổn định nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu
Để đạt được mục tiêu trồng rừng đảm bảo nguyên liệu gỗ cho sản xuất đồ gỗ, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện đẩy mạnh việc áp dụng kỹ thuật trồng rừng thâm canh, nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, ưu tiên phát triển giống được sản xuất từ cây mô, hom để trồng rừng sản xuất.
Theo đó, Việt Nam cần phấn đấu sản lượng gỗ tròn khai thác từ rừng trồng sản xuất đạt 35 triệu mét khối vào năm 2025, 50 triệu mét khối năm 2030. Phấn đấu diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 0,5 triệu hecta giai đoạn 2021-2025, hơn 1 triệu hecta giai đoạn 2026-2030.
Các địa phương phải quy hoạch được vùng nguyên liệu rừng trồng, tập trung nguồn lực phát triển rừng gỗ lớn, rừng có chứng nhận quản lý rừng bền vững nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng; phải chú trọng công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp, kiểm soát được chất lượng giống; đầu tư kỹ thuật trong trồng và chăm sóc, lựa chọn nghiên cứu các giống cây gỗ lớn phù hợp.
Minh Thùy
Bình luận