Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 12:11
Thứ năm, 15/12/2022 07:12
TMO - Tây Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao. Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi trong những năm qua đã được tỉnh rất quan tâm, đặc biệt thu hút đầu tư xây dựng vùng chăn nuôi an toàn hướng đến xuất khẩu.
Thông tin tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi cuối năm 2022 và đầu năm 2023, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện ngành chăn nuôi của tỉnh đang từng bước phát triển và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Theo đó, tổng đàn gia súc tỉnh Tây Ninh hiện có 344.917 con, trong đó, 628 trang trại tăng 5,7% so với năm 2021. Về gia cầm có 9.000.000 con, trong đó, 107 trang trại tăng 20,88% so với năm 2021.
Tổng sản lượng chăn nuôi năm 2022 trên địa bàn tỉnh ước đạt: 50.500 tấn thịt lợn; 7.550 tấn thịt bò; 49.000 tấn thịt gia cầm; 650 triệu quả trứng. Hiện lượng thịt lợn đã đủ cho đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh; thịt trâu bò xuất về TP.HCM khoảng 10 tấn/ngày; thịt gia cầm xuất tỉnh khoảng 30 tấn/ ngày; trứng xuất tỉnh và xuất khẩu chiếm khoảng 30% sản lượng của tỉnh.
Tỉnh Tây Ninh hướng đến xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2022, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở Tây Ninh đã giảm rõ rệt, chỉ xảy ra 19 ổ dịch tả lợn châu Phi chuyển từ cuối năm 2021 sang và kể từ ngày 16/02/2022 thì không xảy ra ổ dịch bệnh nào trên đàn gia súc, gia cầm. Địa phương cũng đã ban hành và thực thi các kế hoạch phòng, chống các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và 2025 - 2030.
Đối với công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, hiện nay, tỉnh Tây Ninh có 60 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; huyện Dương Minh Châu được Cục Thú y công nhận là vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn; có 3 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà, 6 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã công nhận ATDB đối với bệnh lở mồm long móng, có 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh…
Để hoạt động chăn nuôi năm 2023 đạt được hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y giới thiệu các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong thực hiện các chuỗi giá trị chăn nuôi đầu tư vào Tây Ninh, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giá trị của ngành chăn nuôi của tỉnh, tiến đến xuất khẩu.
Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.217 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 53 tỉnh, thành phố và buộc tiêu hủy gần 58 nghìn con lợn. Hiện nay có 16 tỉnh phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày; bệnh cúm gia cầm có 48 ổ dịch, tại 22 tỉnh, thành phố (hiện nay còn 4 tỉnh phát sinh 7 ổ dịch chưa qua 21 ngày)... Về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, lũy kế từ năm 2016 đến nay cả nước đã xây dựng được 2.394 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố. Đối với Hệ thống thông tin dịch bệnh trực tuyến VAHIS, được đưa vào sử dụng từ năm 2018, hiện hệ thống đã triển khai tại 63 tỉnh thành phố.
Ngành chăn nuôi cần quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi. Ảnh: C. Thắng
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh thành phố đã rất quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi. Kết quả, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới, đặc biệt trong thời gian trước và sau Tết nguyên đán vẫn còn rất cao. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, các Chương trình, Kế hoạch quốc gia và nhiều văn bản của Bộ NN&PTNT đã nêu ở trên, nhất là phê duyệt và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngay từ ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu năm 2023.
Đặc biệt, cần khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người; Tuyên truyền, hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh; Tiếp tục triển khai Tháng tổng vệ sinh, sát trùng tiêu độc trước và sau Tết Nguyên đán để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Các tỉnh, thành đẩy mạnh tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm; đẩy mạnh phát triển các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học để hướng đến xuất khẩu. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, nhập khẩu trong khâu cung ứng các loại thuốc, vaccine thú y, hóa chất cần thiết phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ các biện pháp trong phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm, nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra.
Trần Trung
Bình luận