Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 18:11
Thứ bảy, 14/01/2023 06:01
TMO - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, ngành nông nghiệp cần xây dựng thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của sự phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số...
Theo báo cáo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2022 toàn ngành đã vượt qua khó khăn, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh, thị trường toàn cầu bị đứt gãy, nhiều chuỗi cung ứng, giá vật tư đầu vào tăng cao để phục hồi và phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành công mới. Ngành đã đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; nhiều chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đồng thời, từng bước chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu nhập cho nông dân.
Qua đó, đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,36% (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%); tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 53,22 tỷ USD, tăng 9,3%, trong đó thặng dư thương mại 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2022 (Chính phủ giao 50 tỷ USD). Bên cạnh đó, có 73,06% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Chính phủ giao 73%) và 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Chính phủ giao 235 đơn vị); tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, từng bước nâng cao chất lượng rừng,...
Ngoài ra, trong năm 2022 công tác mở cửa thị trường có nhiều đổi mới, cách làm sáng tạo; thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tiếp tục phát triển. Thị trường trong nước được mở rộng thông qua phát triển các kênh tiêu thụ, gia tăng thương mại điện tử; kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục trên 53,22 tỷ USD, trong đó, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 8 mặt hàng có kim ngạch trên 2 tỷ USD, 7 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su, cà phê).
Ngành nông nghiệp cần xây dựng thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của sự phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số...
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 3,5%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phải phấn đấu đạt từ 55 tỷ USD trở lên; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; 280 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp quy chuẩn 60%.... Thủ tướng yêu cầu, Bộ NN&PTNT và toàn ngành nông nghiệp, nông thôn phải tự tin bản lĩnh, và linh hoạt, chủ động rà soát, nắm bắt tình hình, lựa chọn những nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm để tập trung triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai các nhiệm vụ, công việc trọng tâm
Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, bởi có thương hiệu mới mới thâm nhập được thị trường, tăng năng suất lao động. Đi cùng với đó là quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu ngang tầm với yêu cầu phát triển. Ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa, du lịch.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương triển khai Nghị định 105/2022/NĐ-CP, sắp xếp lại 4 tổng cục. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn, tham gia xây dựng các Luật,... Đồng thời, thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, ứng dụng khoa học công nghệ vào chương trình OCOP; đẩy mạnh triển khai cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là về giống; làm tốt công tác dự báo, cung - cầu, thị trường.
Đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại FTAs, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tiếp tục tháo gỡ rào cản để thâm nhập vào các thị trường mới. Đồng thời coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Vũ Lan
Bình luận